Huân luyện ban phục vu 1
Ban phục vụ
PHÁT TRIỂN NHÂN CÁCH
NGƯỜI GIÁO DÂN ĐAMINH
1. Khái niệm nhân cách
Nhân cách là cách sống
chuẩn mực phù hợp với phẩm giá con người, bao gồm các yếu tố đạo đức, lương tâm,
ý chí, trí tuệ ... Cách sống này thể hiện qua
mối quan hệ giao tế với người khác, vì con người tự bản chất được tạo dựng không
phải để sống đơn độc, mà để sống tương quan với nhiều người khác.
Cộng đoàn nhỏ nhất và cơ bản nhất là gia đình, rồi đến xóm làng, khu phố và sau
cùng là xã hội và nhân loại. Chính kết quả mối quan hệ giao hảo sẽ xác định
nhân cách con người. Xã hội loài vật cũng sống chung đụng hợp quần,
nhưng chúng không hề cần đến nhân cách và giao tế, vì chúng chỉ sống theo bản
năng tự nhiên mạnh được yếu thua, và sống hay chết cũng
theo qui luật đó. Con người trái lại, rất cần nhân cách và giao tế để sống
chung trong hòa bình và trật tự. Chứng tỏ con người là thụ tạo siêu việt hơn
tất cả,
vì được mang hình ảnh thần linh của Thiên Chúa và được Người thông ban sự sống
siêu nhiên của Người (nhân linh ư vạn vật).
2. Sống nhân cách
Nhiều người thông minh
đĩnh đạt, có tài năng trí tuệ, có trình độ văn hóa với bằng cấp cao, hiểu biết
sâu rộng,
nhưng lại sống thiếu lương tri, không tôn trọng sự thật, không biết phải quấy, xem
thường danh dự và đạo đức cá nhân cũng như ý thức trách nhiệm. Những người này
có thể có mức sống vật chất cao, tiền của dư đầy, tiêu xài lớn, nhà cửa thênh
thang với đầy đủ tiện nghi, nhưng về thực chất,
những người này sống thiếu nhân bản, nghĩa là thiếu phần căn bản gốc rễ của đạo
làm người, nên đã trở thành tai họa cho chính mình, cho gia
đình và xã hội.
Trên bước đường thăng
tiến sự nghiệp,
họ không khỏi chuốc lấy thất bại và đó chính là hậu quả của nếp sống thiếu nhân
cách.
3. Nhân cách thể hiện ở bên ngoài cũng như bên trong
con người
Bên ngoài nhân cách bộc
lộ qua thể hình, cung cách đi đứng, y phục, ngôn ngữ và hành động. Một khuôn
mặt vui tươi, một nụ cười duyên dáng, một tiếng cảm ơn chân thành, một lời xin
lỗi khiêm nhu, tất cả đều là những nét đẹp của nhân cách, của một tâm hồn thiện
chí và quảng đại. Nhường chỗ trên xe buýt cho một cụ già hay một phụ nữ, nhất
là phụ nữ đang mang thai, dẫn một em bé hay một người tàn tật qua đường, đều là
những cử chỉ và việc làm đầy lòng nhân ái của người có nhân cách.
Còn bên trong, thì nhân
cách biểu lộ qua tính tình trung thực, nhân hậu và yêu thương cùng với tinh
thần trách nhiệm cao, cũng như bản lãnh và uy tín đầy thuyết phục
làm cho mọi người kính nể và mến yêu.
Ngày nay, do ảnh hưởng
của kinh tế thị trường, người trẻ đua nhau trong cách ăn mặc cho hợp thời
trang, đúng gu, đúng mốt, còn cho mọi điều khác là quê mùa. Trong chừng mực nào
đó, thời trang là vẻ đẹp của văn hóa, nhưng người trẻ đừng cho là mục đích.
Danh ngôn sau đây có thể là mẫu mực cho người trẻ: “Nếu quần áo bạn đập vào mắt người khác, trước khi nhân cách
của bạn được biểu lộ, bạn không có hy vọng gì thành công”.
4. Tập luyện nhân cách
Người giáo dân Đaminh
học hỏi để rèn luyện nhân cách và làm cho nhân cách được lớn lên và trưởng thành
trong cung cách sống. Người giáo dân Đaminh sống trưởng thành trong đức tin,
thì đồng
thời cũng phải trưởng thành về thể lý và tâm linh.
Nhân cách không dễ gì
rèn luyện ngay được, nhưng phải dầy công tập luyện từng bước và
liên tục. Người xưa nói: “Hữu bách tuế như
đồng, hữu thất tuế như ông”, nghĩa là: “Cả
trăm tuổi nhưng vẫn là trẻ con, mà mới bảy tuổi đã là người lớn”. Như vậy, chúng ta
đừng tưởng là thân xác to lớn và tuổi đời cao, là nhất định chúng ta
đã trưởng thành.
Do đó:
a. Chúng ta chỉ là
người lớn, người trưởng thành khi chúng ta ý thức trong cách suy nghĩ, nói năng
và hành động của mình.
b. Người trưởng thành
về nhân cách biết cân nhắc, suy xét và can đảm quyết định mọi công việc của
mình và sẵn sàng chịu trách nhiệm. Trong mọi công việc của đời sống, chúng ta cần cố vấn, cần sự góp ý
khách quan của người ngoài, nhưng không ai có thể quyết định thay cho chúng ta.
c. Chúng ta chỉ là
người trưởng thành về nhân cách khi chúng ta tôn trọng người khác, bởi vì người
có nhân cách nhìn nhận sự hiện diện và tự do của người khác, đồng thời mong
muốn làm cho đời sống người khác có ý nghĩa và phẩm giá con người như chính
mình. Nói cách khác, người trưởng thành về nhân cách không trốn tránh trách
nhiệm của mình đối với người khác.
5. Giao tế
Chúng ta, những
người giáo dân Đaminh, cần vun trồng những mối quan hệ tốt, qua
những việc nhỏ nhặt thường ngày, với cử chỉ và lời lẽ
khiêm tốn, thái độ tế nhị. Trong kinh thánh, chúng ta thấy thánh Gioan Tẩy giả
là mẫu mực tuyệt đẹp trong việc xây dựng và vun trồng mối quan hệ tốt. Thánh nhân
đóng vai trò “đi trước” để mở đường, người đã khéo léo chuẩn bị môi trường tình
cảm cho người đến sau mình: “Người ấy đến
sau tôi, nhưng cao trọng hơn tôi vì có trước tôi, còn tôi, tôi
không đáng cởi dây giày cho Người”. Quả thật, ông không lợi dụng uy tín hoặc thế
giá của mình để giảm nhẹ địa vị của người mà ông có nhiệm vụ vận động và cổ võ
trước dân chúng.
Câu hỏi gợi ý
1. Tại sao con người
phải sống có nhân cách?
2. Thái độ sống thiếu
nhân cách sẽ dẫn đến những hậu quả nào?
3. Nhân cách thường thể
hiện nơi con người ra sao?
4. Người giáo dân
Đaminh phát triển nhân cách bằng những phương pháp nào?
5. Như thế nào mới được
gọi là người trưởng thành về nhân cách?
6. Người giáo dân Đaminh
vun trồng quan hệ giao tế bằng cách nào? Trích một mẫu gương trong Kinh Thánh
về cách vun trồng quan hệ giao tế.
THẬP ĐẠI THẮNG
Đức cố hồng
y PX Nguyễn Văn Thuận
2. Ý thức, tin tưởng sứ mạng của
mình như ơn Chúa trao ban. Bình tĩnh, khôn ngoan, sáng suốt trước mọi biến cố.
3. Có thuật dùng
người, chấp nhận đối thoại, tìm hiểu từng người, tâm hồn quảng đại, biết quên
bỏ những lầm lỗi của người khác. Lắng nghe bạn bè khuyên bảo, nhất là biết bình
tĩnh lắng nghe kẻ thù chỉ trích.
4. Tín nhiệm vào cộng sự viên, xem, xét, làm. Quyết định sáng suốt,
thực hiện cho kỳ được.
5. Chia sẻ trách nhiệm với các cố vấn,
chuyên viên, cộng sự viên. Luôn tìm tòi, học hỏi trau dồi thêm khả năng.
6. Nói ít, làm nhiều, luôn tôn trọng kỷ luật, đi tiên phong, nêu gương sống
trong mọi lãnh vực, nhìn thẳng thực tế, khách quan, khiêm tốn lúc thành công,
chia sẻ niềm vui với cộng sự viên, kiên trì và nhẫn nại,
không bao giờ thất vọng.
7. Sẵn sàng hy sinh tất cả vì sứ mệnh, can đảm nhận trách nhiệm, cùng
thành công, cùng thất bại, không bao giờ làm tổn thương tình huynh đệ. Sẵn sàng
nhận điều khó cho mình, nhường cái dễ cho cộng sự viên.
8. Trước mỗi việc, đều có chương
trình, kế hoạch. Sau mỗi việc, đều kiểm điểm chân thành, phê bình và tự phê
bình, sợ tâng bốc, thích nghe nói thẳng, nói thật.
9. Chỉ tìm phục vụ,
luôn quên mình vì sứ vụ và xác tín rằng mình chỉ là khí cụ của Chúa, nên chỉ
tìm ý Chúa. Giữ vững lập trường, thấy ai hơn mình thì vui mừng. Chuẩn bị cho tương
lai, dọn đường và trao hết kinh nghiệm cho người kế vị mình.
10. Trước mọi công việc, trong mọi khó khăn thử thách, luôn biết cầu
nguyện, tìm ánh sáng và sức mạnh nơi Chúa. Bàn hỏi với Chúa trước hết, phó thác
cho Chúa trọn vẹn. Hy vọng trong thất vọng, cứ vui vẻ tiến lên, ngày mai, tương
lai có Chúa lo.
THẬP ĐẠI BỆNH
Đức cố hồng
y PX Nguyễn Văn Thuận
1. Bệnh quá
khứ cục bộ: chỉ
có quá khứ là đáng kể, và ước ao trở về thời vàng son đó.
2. Bệnh
tiêu cực bi quan: thở than và chỉ trích mọi người mọi việc.
3. Bệnh phô trương chiến
thắng: làm tất cả chỉ để khoe khoang cái tôi của mình.
4. Bệnh
cá nhân chủ nghĩa: chỉ nghĩ đến mình và quyền lợi của mình.
5. Bệnh
lười biếng tránh né: sợ
tốn công, sợ liên lụy, nói mà không làm, luôn tìm mọi lý do để tránh né.
6. Bệnh
chuẩn mực trần tục: đánh giá mọi việc và người khác theo cách thức báo chí truyền thông và thị hiếu
dân chúng đề ra.
7. Bệnh
đợi chờ phép lạ: không
dám dấn thân vào công việc, nhưng lại chờ mong được
kết quả tốt.
8. Bệnh tùy
hứng vô định: Không có lý tưởng rõ
ràng và cũng chẳng bao giờ kiên trì trong công việc.
9. Bệnh
sống vô trách nhiệm: ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình. Không quan tâm đến việc chung
và những bổn phận khác.
10. Bệnh bè phái chia rẽ: lập phe nhóm cho riêng mình.
Không chấp nhận người khác ý kiến với mình.
THẬP
ĐẠI BẠI
Đức cố hồng
y PX Nguyễn Văn Thuận
1. Kiêu căng, xem người như máy móc, độc đoán, chẳng chịu nghe
ai, bảo thủ ý kiến.
2. Băn khoăn, bi quan, khiến cho người nghe cũng đâm hoang
mang.
3. Không biết dùng người, không chọn người, không biết huấn luyện,
không hòa mình, không khoan dung, sống cách biệt, giữ óc địa phương.
4. Đa nghi với mọi người, mang bệnh “do dự mãn tính”, sợ mất lòng,
thay đổi ý kiến như chong chóng.
5. Tự mình ôm đồm bao quát tất cả, lạc lõng trong những chuyện vụn
vặt, không phân biệt đâu là chính yếu, đâu là phụ thuộc.
6. Miệng nói rất khéo, nhưng làm thì khác, cuối cùng chẳng ai tin.
Tuyên bố rùm beng, nhưng sống và hành động không ra gì. Gặp khó khăn thì buông
xuôi nản lòng. Thành công thì huênh hoang tự đắc và cướp công vô ơn với kẻ
thành tâm giúp mình.
7. Dấn thân nửa vời, thịnh thì xu thời “xông pha cứu trợ người thắng
trận”. Suy thì rút lui nhẹ nhàng, không chịu trách nhiệm, và đổ lỗi cho
người khác.
8. Không có chương trình và kế hoạch, hăng tiết theo cảm hứng, thích
tấn công, khó chịu khi nghe sự thật mất lòng.
9. Ích kỷ, chỉ tìm danh lợi cho bản thân mình, sợ người khác hơn mình,
giấu kỹ những kinh nghiệm của mình.
10. Không cầu nguyện, chỉ tin vào tài năng và mưu mô, thủ đoạn trần
tục, trông cậy vào quyền thế.
2. TINH THẦN VÀ ĐOÀN SỦNG
DÒNG GIẢNG THUYẾT
Luật Sống huynh đoàn đã xác định ơn gọi giáo dân Đaminh như
sau: “Giáo dân Đaminh là các giáo dân do
Chúa Thánh Linh thúc đẩy muốn sống ơn gọi hoàn hảo hơn, theo tinh thần và đoàn
sủng dòng anh em Giảng Thuyết, bằng lời tuyên hứa tuân giữ Luật Sống huynh
đoàn được bề trên tổng quyền phê chuẩn (LS
2 trang 24). Trong bài này chúng
ta sẽ tìm hiểu tinh thần và đoàn sủng của dòng anh em Giảng Thuyết
là gì?
I. KHÁI NIỆM VỀ TINH THẦN VÀ ĐOÀN SỦNG CỦA DÒNG TU NÓI CHUNG
Trong hội thánh, chúng ta thấy có rất nhiều dòng tu. Mỗi
dòng tu có một con đường nên thánh riêng. Hội thánh hiện diện ở trần gian theo
đà phát triển của nhân loại, thường có những nhu
cầu mới. Chúa Thánh Thần đã ban cho các vị sáng lập dòng tu tìm ra một con
đường nên thánh, để phục vụ hội thánh trong
thời đại mình. Hội thánh phê chuẩn con đường nên thánh đó. Ơn mà Chúa Thánh
Thần ban cho vị sáng lập đó gọi là ơn
đoàn sủng.
Dưới ánh sáng của ơn đoàn sủng đó, đấng sáng lập và những thành
viên tiên khởi sẽ ấn định những cách thức tổ chức dòng mình cho phù hợp. Chẳng
hạn họ xác định đường lối quản trị, tìm kiếm phương pháp cầu nguyên và tu đức,
ấn định những quy luật huấn luyện, sống cộng đoàn ...
Tất cả những yếu tố đó tạo nên gia sản
tinh thần của dòng tu đó.
Như vậy, ơn đoàn sủng của một dòng tu là ơn Chúa Thánh Thần
ban cho vị sáng lập dòng, để thể hiện lối sống
mầu nhiệm Đức Kitô, thích hợp với nhu cầu
của thời đại và được hội thánh công nhận. Tinh thần của một dòng tu là những
cách thức, đường lối của dòng tu, thể hiện ơn đoàn sủng
dòng mình trong cuộc sống.
II. ĐOÀN SỦNG DÒNG ĐAMINH
Dòng Đaminh có danh
hiệu chính thức là dòng anh em Giảng Thuyết. Điều đó giúp chúng ta dễ dàng nhận ra ngay rằng đoàn sủng của
dòng là giảng thuyết.
Vào năm 1205, khi tháp tùng đức cha Diego du hành sang Đan
Mạch, thánh Đaminh đã gặp gỡ một người lạc giáo Cathares trong một quán trọ. Người
đã làm cho anh ta trở lại đức tin chân chính sau một đêm tranh luận. Qua việc làm
đó, người được ơn Chúa soi sáng cho thấy, cần phải có trong hội thánh
một dòng tu chuyên tâm dấn thân vào việc giảng thuyết. Nên biết rằng, dưới thời
thánh Đaminh, quyền giảng thuyết chỉ dành cho các giám mục. Các đan sĩ, các linh mục triều cũng
không được quyền này.
Nguyện vọng của thánh Đaminh đã được đức Hônôriô III chấp
thuận. Ngày 22-12-1216, người đã ban sắc lệnh cho phép thành lập dòng với mục
đích: ”chuyên tâm tìm hiểu lời
Chúa và rao truyền danh Đức Kitô, Chúa chúng ta khắp thế
giới …” (HP nền tảng số 1, §1). Bản hiến pháp đầu
tiên của dòng, do tổng hội đầu tiên họp ở Bologna vào năm 1220, khẳng định đoàn sủng của dòng là: “Dòng chúng ta được thiết lập một cách đặc biệt nhằm để giảng thuyết và
cứu độ các linh hồn. Vì thế, hết mọi hoạt động của chúng ta cần phải nhắm tới mục đích:
Mưu ích cho linh hồn tha nhân” (HPNT số 1§2).
III. TINH THẦN DÒNG ĐAMINH
Để sống và thi hành ơn đoàn sủng giảng thuyết, ngay từ đầu,
thánh Đaminh và các con cái của Người đã qui định những nét chính sau đây:
1. Đặc tính của dòng Đaminh: “Rao truyền Danh Thánh Chúa Kitô khắp thế giới” (HPNT
số 1§1). Như đã nói trên, vào thế kỷ XIII, trong hội thánh chưa
có một dòng nào chuyên việc giảng thuyết. Vì thế, đức Hônôriô III tán thành
việc xin lập dòng của thánh Đaminh, và xác định đặc tính của
dòng anh em Giảng Thuyết là “Rao truyền Tin mừng Chúa Kitô khắp thế giới”.
2. Mẫu người Đaminh:
Là những con người Tin mừng, noi
theo chân Đức Kitô, chỉ nói với Chúa hay về Chúa cho mình hoặc cho tha nhân. Đối
với anh em Đaminh, việc noi theo bước chân
của Đấng Cứu Thế là chia sẻ đời sống cộng đoàn của Chúa Kitô và các tông đồ
cũng như tham dự vào sứ vụ giảng dạy của các Ngài (HPNT số 1§2).
3. Nếp sống của người Đaminh: Sống theo nếp sống
của các tông đồ bằng các hình thức thánh Đaminh ấp ủ là: sống cộng đoàn,
tuân giữ các lời khuyên Phúc Âm, sốt sắng cử hành phụng vụ và cầu nguyện, chuyên
cần học tập và kiên tâm tuân giữ kỷ luật tu trì. Những yếu tố này liên kết chặt
chẽ với nhau làm thành nếp sống tông đồ Đaminh, trong đó lời giảng và giáo lý phải phát sinh từ việc chiêm
niệm phong phú (HPNT số 1§4).
4. Sứ vụ riêng của dòng Đaminh: Là dòng tu trong hội thánh đảm nhận tác vụ ngôn sứ lẫn tác vụ tư tế. Dòng được sai đến với
muôn dân trong tình liên kết với toàn thể hội thánh và mang tính cách phổ quát.
Điều này được biểu hiện trong lời tuyên khấn vâng lời vị thủ lãnh của mình là bề
trên tổng quyền (HPNT số 1§6).
5. Mô hình tổ chức cộng đoàn Đaminh: Dòng tôn trọng tài năng và trách nhiệm của các phần tử. Do đó
luật dòng không buộc thành tội trừ khi khinh thường. Luật có thể được chuẩn chước
khi ngăn trở việc học hành, rao giảng, và phần rỗi tha nhân (HPNT số 1§6).
6. Hệ thống quản trị của dòng:
- Anh em sống hiệp thông
từ cộng đoàn tu viện, tỉnh dòng và toàn dòng. Việc cai quản mang tính cách dân
chủ và cộng đoàn. Các bề trên do anh em bầu lên và anh em tham gia vào việc
quản trị.
- Các hoạt động của anh em
cần linh động để vừa thích nghi với thời đại vừa trung thành với những nguyên
tắc và tiêu chuẩn đã được dòng xác định (HPNT
số 1§7,8).
KẾT LUẬN
Được tham gia vào ơn gọi của dòng anh em Giảng Thuyết,
giáo dân Đaminh chúng ta cần học hỏi, để ngày một hiểu biết
và thấm nhuần đoàn sủng và tinh thần dòng và áp dụng trong đời sống, theo tính cách riêng của người giáo dân được Luật Sống quy
định (đặc biệt xin coi LC các số
4,7,10,11,12,15,19,20). Chắc hẳn, nhiều người trong chúng
ta khi mới vào huynh đoàn đều không nhắm tới những việc trên đây, mà có thể vì những lý do khác ...
Nhưng Thiên Chúa lại dùng những lý do khởi đầu rất bình thường (có khi tầm thường nữa) của con người, để dần dà dẫn đưa họ ngày một đi sâu vào huyền nhiệm cứu độ
và góp phần với Người trong việc mở mang nước Chúa.
A.
TINH THẦN CẦU NGUYỆN
Từ khi có trí khôn biết
suy tưởng, con người luôn sống trong vũ trụ thiên
nhiên, chịu tác động của biết bao thế lực bên ngoài như sấm sét, mưa bão lụt
lội, cháy rừng, bệnh tật và chết chóc. Những điều đó luôn làm cho con người cảm
thấy bất an và bất lực. Và từ đó, tự bản thân, con người luôn cầu khẩn, hướng
về một quyền phép cao sang, một Đấng tối cao nào đó để cầu xin, van nài và mong
cho được giải thoát, được bình an; và chính những lời nài xin đó là những lời
cầu nguyện. Do vậy, việc cầu nguyện không phải là một điều gì mới mẻ,
nhưng là tâm tình của tất cả mọi người, chứ không phải là một việc
riêng của một vài nhóm thiểu số, một vài cộng đồng.
Người Công giáo chúng ta
được Thiên Chúa yêu thương và mạc khải qua Đức Kitô để biết rằng Thiên Chúa là
Cha nhân từ, thương xót, và Đức Kitô là Con Thiên Chúa đã xuống thế làm
người để chia sẻ trọn vẹn kiếp sống phàm nhân. Trong cuộc đời dương thế, Người
thường xuyên và liên lỉ cầu nguyện với Thiên Chúa Cha, và Người cũng dạy chúng
ta biết cách cầu nguyện.
1. Cầu nguyện là gì?
Lịch sử giáo hội Công
giáo nói riêng và lịch sử Cứu Độ nói chung đã cho thấy
có
rất nhiều trường phái cầu nguyện, và cũng có rất nhiều bậc thầy hướng dẫn và
những tấm gương sáng về việc cầu nguyện. Do đó, việc tìm ra một câu
định nghĩa chung để tổng hợp, bao gồm tất cả mọi trường phái, mọi con đường tâm
linh quả không phải là một việc dễ làm. Tuy nhiên, trong khuôn khổ hạn hẹp của
bài này, chúng ta tạm cùng nhau chấp nhận câu định nghĩa sau đây: Cầu nguyện là nói chuyện, thưa gửi, trao đổi tâm tình với Thiên Chúa để ngợi khen, cảm tạ, sám
hối và xin ơn.
Từ câu định nghĩa này, chúng ta thấy rằng khác với thói quen thông thường mà
nhiều người chúng ta hay mắc phải, đó là việc cầu nguyện không phải chỉ có xin,
chỉ cầu lợi cho mình ...
mà nó còn có nhiều tâm tình khác nữa.
2. Đức Kitô cầu nguyện
Khi nói, khi học về việc
cầu nguyện, có lẽ chúng ta không có một tấm gương nào tốt hơn là nhìn ngắm vào
cuộc đời và tâm tình của Đức Kitô. Đức Kitô cầu nguyện mọi nơi, mọi lúc, khi
vui, khi buồn, khi làm việc này việc khác. Người cầu nguyện riêng một mình. Người tham gia vào việc cầu nguyện cộng đồng nơi
hội đường ...
Và đặc biệt trong lời nguyện hiến tế, đã được thánh Gioan ghi
lại trong chương 17, là một khuôn mẫu cho lời cầu nguyện của chúng
ta: Đức Kitô bàn bạc, thưa trình những nhu cầu, trao đổi nói chuyện với Chúa
Cha rất tha thiết và chân thành trong tình cha con.
3. Thánh Đaminh cầu nguyện
Như chúng ta đã biết,
các trường phái linh đạo của giáo hội rất phong phú và đã để lại cho chúng ta
nhiều bậc thầy,
với những tấm gương và kinh nghiệm đáng quý trong việc cầu nguyện, như
thánh Biển Đức, Phanxicô, Đaminh, Inhaxiô, Têrêsa ... Tuy nhiên, vì
điều kiện hạn chế cũng như thời gian có hạn, chúng ta chỉ cùng nhau dừng lại ở
mẫu gương cầu nguyện của cha thánh Đaminh mà
thôi.
Được sinh trưởng trong
một gia đình có truyền thống đạo đức, từ nhỏ đã sớm hấp thụ tinh thần cầu
nguyện nơi gia đình, nơi người cậu ruột làm linh mục, và được sống trong môi
trường tràn ngập tinh thần đạo đức nơi chủng viện, nơi kinh sĩ đoàn Osma ... tất cả những yếu tố
đó đã gầy dựng, hun đúc hình thành nơi cha Đaminh một con người cầu nguyện, và người
đã để lại cho chúng ta nhiều cung cách và kinh nghiệm về việc cầu nguyện rất
phong phú và quý báu ...
Do vậy, khi thành lập dòng anh em Giảng Thuyết, cha đặc biệt
chú trọng vào việc cử hành phụng vụ chung và việc cầu nguyện riêng (HP 40).
Chân phước Jordan Saxony kể lại những năm tháng cha Đaminh sống tại Osma như
sau: "Nhiều đêm, chìm đắm trong cầu
nguyện, cha đã quen với việc thường xuyên đàm đạo cùng Thiên Chúa trong phòng
kín. Thỉnh thoảng, trong lúc cầu nguyện cha bật tiếng khóc
nức nở, và những lời than van xuất phát từ trái tim thổn thức. Cha không thể kềm lòng, nên nhiều lúc đã bật kêu to tiếng đến nỗi người ta có thể
nghe thấy từ đàng xa. Đó chính là lời cầu nguyện riêng và thường xuyên mà cha
dâng lên Chúa, xin Chúa đoái thương ban
cho cha lòng bác ái. Lòng bác ái ấy đã sinh hoa kết trái trong việc chăm lo và
làm việc vì ơn cứu độ con người ...". Trong việc phụng vụ chung của cộng đoàn, và
nhất là trong Thánh lễ, cha Đaminh cử hành rất sốt sắng. Tu sĩ Stephan Spain đã
làm chứng về lòng yêu mến Thánh lễ của cha Đaminh như sau: "Tôi rất thường thấy cha cử hành Thánh lễ và thấy mặt cha luôn
đẫm lệ suốt phần lễ quy. Những người tham dự đều dễ dàng nhận ra lòng sùng kính
và sốt sắng của cha trong suốt Thánh lễ và cách thức cha đọc kinh Lạy Cha. Tôi
nhớ là không bao giờ cha dâng lễ mà không rơi lệ ..."
4. Tính chiêm niệm của Dòng
Châm ngôn sống của dòng
là "nói với Chúa và nói về Chúa", hay có thể diễn tả rõ
hơn đó là "chiêm niệm và nói lại cho người khác điều mình chiêm
niệm". Xưa nay, nhiều người trong chúng ta vẫn nghĩ và vẫn hiểu việc cầu
nguyện đơn thuần chỉ là việc xin ơn: xin điều này điều khác, xin ơn nọ ơn kia,
mà chúng ta quên đi việc chúc tụng, ca khen, chúng ta quên đi lòng yêu mến, cũng
như những tâm tình phải có của một người con đối với Cha trên trời. Kinh
nghiệm hằng ngày trong gia đình cho ta thấy, con cái không phải lúc nào gặp mặt
cha mẹ cũng chỉ có xin; nhưng còn trò chuyện với ba mẹ, và lòng trí luôn hướng đến
tâm tình yêu mến cha mẹ mình. Bởi đó, nếu so sánh về mức độ cao thấp, chúng ta
thấy việc chiêm niệm ở tầm mức cao hơn việc cầu nguyện, mà ở đó mỗi người sống
trong tình trạng kết hợp liên lỉ và chìm đắm trong Thiên Chúa. Để giúp cho mỗi
người có thể đạt đến sự chiêm niệm đích thực, thánh Tôma tiến sĩ nói rõ: "chiêm niệm là lắng nghe, đọc sách, suy
gẫm và cầu nguyện". Như vậy, ta thấy yếu tố đầu tiên để giúp cho việc
chiêm niệm có được kết quả tốt, đó là một môi trường
thinh lặng trong một tâm hồn thinh lặng. Có thinh lặng chúng ta
mới có thể lắng nghe, mới tập trung đọc sách và suy gẫm, và thinh lặng giúp
chúng ta dễ dàng kết hợp với Chúa và cầu nguyện với Người. Từ đó, nhờ sự chiêm
niệm sâu xa và sự gắn bó mật thiết với Thiên Chúa, người Đaminh chúng ta mới
đạt tới mục đích tốt đẹp hơn ngoài việc thánh hóa bản thân, đó là rao truyền Thiên
Chúa nhằm thánh hóa và cứu độ các linh hồn.
Là thành viên, được kết
hợp với gia đình Đaminh qua lời tuyên hứa, người giáo dân Đaminh cũng được
kêu mời tham gia vào sứ vụ chung của dòng mà thực hiện châm ngôn "nói với
Chúa và nói về Chúa". Do vậy, ngay từ đầu, Luật Chung của người giáo dân
Đaminh đã kêu gọi tất cả mọi anh chị em hãy nguyện kinh phụng vụ
cùng với gia đình Đaminh, cầu nguyện riêng, suy gẫm và đọc kinh Mân Côi (LC 10);
và ngay trong luật riêng của giáo dân Đaminh Việt Nam, chúng ta cũng thấy một lời
kêu gọi tương tự: nguyện kinh phụng vụ với nhau tại nhà thờ hay nơi thích hợp,
nếu không thể được thì suy niệm hoặc đọc kinh Mân Côi ... (LR 4-8).
B. TÌM HIỂU SƠ LƯỢC VỀ KINH PHỤNG VỤ
1. Cùng
cầu nguyện với Đức Kitô
Đức Kitô đến trần gian,
sống giữa nhân loại và mạc khải cho ta biết về Thiên Chúa và đền thay tội lỗi
cho ta. Trong
suốt cuộc đời, Đức Kitô không ngừng ca ngợi để tôn thờ, cầu xin và tạ tội; và
chính Người cũng thay mặt loài người, dâng lên Thiên Chúa
những lời ca ngợi và nguyện xin. Mặt khác, Đức Kitô cũng luôn nhắc nhở các môn
đệ và chúng ta là phải cầu nguyện không ngừng, nên hội thánh đã vâng nghe lệnh
truyền đó và thực hiện bằng nhiều cách khác nhau, ngoài Thánh lễ hằng
ngày,
còn có các giờ kinh phụng vụ (CGKPV).
Lần mở lại những tháng
ngày đầu tiên trong sinh hoạt của giáo hội, sách Tông Đồ Công Vụ ghi lại:
"Các tín hữu đã chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, luôn sống với nhau
trong tình huynh đệ, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng ... (Cv 2,42). Ngoài ra,
những trang khác cũng có nói đến việc các tín hữu cầu nguyện vào những giờ nhất
định: Vị thủ lãnh tông đồ "lên sân
thượng cầu nguyện vào giờ thứ sáu" (Cv 10,9); Ông Phêrô và Gioan lên đền
thờ vào buổi cầu nguyện giờ thứ chín (Cv 3,1). "Vào quảng nửa đêm, ông Phaolô và ông Xila cầu nguyện
ca tụng Chúa"...,
và từ đó tạo ra cho cộng đoàn tín hữu đầu tiên một thói quen cầu nguyện có tính
chu kỳ, và đây chính là tiền thân của các giờ kinh phụng vụ sau
này.
2. Mục đích của các giờ kinh phụng vụ
- Mục đích đầu tiên của
CGKPV là thánh hóa ngày, giờ và toàn bộ sinh hoạt của con người. Do đó, phải
thu xếp sao cho các giờ kinh trùng với giờ thật trong ngày, và phải lưu ý đến
hoàn cảnh sống của con người hôm nay.
- Thánh hóa nhân loại:
Vì các bài đọc, ca vịnh, thánh thi, xướng đáp ... trong kinh phụng vụ
đều lấy từ thánh kinh; do đó, chúng ta có thể nên thánh, tiếp nhận ơn thánh dồi
dào nhờ hiệu lực cứu độ của lời Chúa. Đọc kinh phụng vụ là một hình thức phụng
thờ Thiên Chúa cách đặc biệt, và khi ta đọc là ta trò chuyện tâm tình với Thiên
Chúa.
- Hợp với giáo
hội ca ngợi Thiên Chúa: Với chức vụ tư tế, giáo hội dâng lên Thiên Chúa lời
ngợi khen, ca ngợi chúc tụng Thiên Chúa với các thần thánh trên trời. Ngoài ra,
hội thánh còn thu nhận vào kinh phụng vụ những lời kêu van
nguyện ước của mọi Kitô hữu, để dâng lên Thiên Chúa
nhờ công nghiệp và lời cầu nguyện của Đức Kitô, do đó lời cầu nguyện của chúng
ta có hiệu lực khác thường.
3. Các loại thánh vịnh
Hầu hết các thánh vịnh
là lời kinh của dân Israel, nên
gây khó khăn và xa lạ cho con người hôm nay từ hoàn cảnh, địa danh, suy nghĩ ... Ta nên nhớ, lịch sử
Israel là lịch sử của hội thánh, do vậy, là Kitô hữu, chúng ta chúc tụng, tạ ơn
Thiên Chúa vì các giao ước người đã ký kết với các tổ phụ, cuộc xuất hành, Giêrusalem,
lưu đày, và chính Đức Kitô đã hoàn tất lịch sử ấy. Mặt khác, khi đọc thánh vịnh,
chúng ta cùng tham dự và hòa hợp tâm tình với dân Chúa xưa, để ca ngợi, chúc tụng,
cầu khẩn van xin ... với Thiên Chúa là Cha
của chúng ta.
a. Thánh vịnh
chúc tụng - tạ ơn
Chủ đề: Hát trong những
ngày lễ của Israel: ca ngợi việc sáng tạo, giải thoát dân, các kỳ công của
Chúa, việc xuất hành ...
Tạ ơn vì được bình an thịnh vượng, thoát khỏi bệnh tật quân thù, bất công, thoát
chết ... TV 112 (kinh chiều I lễ
Hiện Xuống, kinh chiều I Tuần III). TV 123 (tuần III kinh
chiều thứ 2). TV 94 (giáo đầu mỗi giờ kinh). TV 32 (tuần I thứ 3
kinh sáng).
b. Thánh vịnh van xin
Chủ đề: Diễn tả nỗi đau
khổ khốn cùng của con người và van xin tình thương của Thiên Chúa đoái thương
cứu giúp ...
TV 50 (kinh sáng thứ sáu tuần I). TV 129 (kinh tối thứ
4) ...
Hai loại thánh vịnh van
xin và chúc tụng tạ ơn giúp ta vui với người vui, khóc với người khóc trong mối
liên đới hiệp thông toàn hội thánh; có nghĩa là chúng ta không cầu nguyện một
mình mà cầu nguyện với hội thánh và nhân danh hội thánh.
c. Các thánh vịnh về vua
Chủ đề: Đó là những thánh
vịnh mà các ngôn sứ ngỏ lời với vua, tạ ơn vua và lời cầu của chính nhà vua ... TV 109 (kinh chiều II
các Chúa nhật). TV
71 (kinh chiều thứ 5 tuần II). TV 143 (kinh chiều thứ
5 tuần IV) ...
Trong các thánh vịnh này, nhà vua được gọi là Con Thiên Chúa, sự kiện vua
Israel được xức dầu của Đức Chúa, là Đấng Mêsia. Người Kitô hữu chúng ta khi
đọc các thánh vịnh này nhận ra đây chính là lời sấm về Đức Kitô.
Thay lời kết
Với mục đích giúp cho
mỗi người tín hữu chúng ta khi đọc kinh phụng vụ cũng như những lúc cầu nguyện
riêng tư được sốt sắng, chúng ta cùng điểm qua sơ lược và cùng nhắc lại một vài
điểm chính yếu trong kinh nguyện nói chung, để cho lời kinh nguyện
của chúng ta,
khi đọc khi hát,
mọi người đều biết và ý thức được công việc mình đang làm.
Nhiều người trong chúng
ta lớn lên với một kiến thức giới hạn về kinh thánh. Bạn áy náy như thế là điều
dễ hiểu vì kinh thánh là trọng tâm của việc sống và chia sẻ lời Chúa. Là những dấu
chỉ của lời Chúa, kinh thánh là một phần quan trọng việc sống ơn gọi loan báo Tin
mừng của người giáo dân Đaminh.
Rất may, chúng ta có
nhiều đường hướng và vô số nguồn mạch hỗ trợ chúng ta học hỏi kinh thánh. Chúng
tôi sẽ giới thiệu một đường lối cụ thể và một vài tài liệu. Điều quan trọng là
chúng ta biết sử dụng ngay sách kinh thánh. Chúng tôi đề nghị bạn hãy khởi đầu
từ những câu chuyện kinh thánh thực tế và những trích dẫn. Điều này bạn có thể
tìm thấy trong sách kinh thánh (bạn nên xử dụng các bài đọc của ngày Chúa nhật).
Khi đã có sách kinh thánh hoặc bài đọc thì mời bạn chọn một đoạn kinh thánh và
theo cách thức sau đây.
1. Đọc truyện hay đoạn trích dẫn trong sách: làm quen với bản
văn mà bạn sắp dùng nó. Ghi nhận những tâm tình của bạn trước câu truyện hay đoạn
trích dẫn, xem bạn cảm thấy thế nào? Đoạn văn nói gì với bạn? Ghi lại những vấn
đề bạn thắc mắc về bản văn và cách áp dụng nó vào bài học.
2. Tìm lại đoạn văn đó trong kinh thánh: bạn nên đọc qua ba lần.
a. Lần nhất: Bạn cảm thấy gì khi đọc bản văn gốc? Đoạn đó nói
gì với bạn? Có điểm gì khác với đoạn văn trong sách giáo khoa không? Nếu có thì
khác thế nào? Tại sao?
b. Lần thứ hai: đọc chậm với cây bút
chì hoặc bút màu. Gạch dưới những từ làm bạn chú ý, ghi lại những thắc mắc, hiểu
biết và tâm tình bạn có. Tô đậm những câu tác động làm bạn ưng ý muốn làm vốn
riêng sau này.
c. Rồi bạn đọc hết chương đó bao gồm câu truyện hoặc những
trích dẫn. Điều này rất quan trọng để giúp bạn thấy được toàn bộ bố cục kinh thánh.
Nó sẽ giúp bạn hiểu rõ thêm ý nghĩa của đoạn văn bạn trích và trả lời những vấn
nạn của bạn hoặc nêu lên những vấn đề mới.
Về sách kinh thánh hiện
nay, chúng tôi đề nghị nên dùng bản kinh thánh Cựu Tân Ước của nhóm Phụng Vụ
Giờ Kinh hoặc bản kinh thánh của linh mục Nguyễn Thế Thuấn và
Tân ước của cha An Sơn Vị.
3. Đọc những lời giới thiệu và những phần tiểu dẫn và những
chú thích ở trong các sách kinh thánh. Ở đầu hay cuối sách kinh thánh,
thường có những phần chỉ dẫn như "cách thức đọc kinh thánh", "cái
nhìn sơ lược về lịch sử", phụ lục, chú thích, tự điển,
bản đồ, và trước mỗi cuốn đều có những tiểu dẫn về tác giả và nguồn gốc.
Dưới mỗi trang đều có thêm
phần chú thích. Nơi những câu khó hiểu thường có những ký hiệu giúp bạn tìm những
chú thích ở cuối trang, chẳng hạn ký hiệu mẫu tự in nghiêng và nhỏ ở đầu câu
phía trên, hoặc trên một từ cần chú thích. Đồng thời ở lề cạnh bản văn có những
ký hiệu giúp bạn nhận ra những đoạn văn, hoặc câu khác liên quan. Những tham
khảo này soi sáng thêm cho đoạn văn và giúp bạn hiểu được những liên hệ trong kinh
thánh như thế nào.
4. Suy niệm và cầu nguyện theo câu truyện hoặc đoạn kinh thánh
bạn vừa đọc. Điều cần thiết là bạn thấu hiểu những
điều bạn vừa đọc và thể hiện ngay trong chính cuộc sống bạn. Điều đó mới thực sự
hữu ích cho bạn.
Bạn nên để dành thời giờ
đọc kinh thánh để cho lời Chúa bén rễ sâu trong bạn. Sau đây là một vài cách
thức thực hiện điều đó:
a. Hãy hình dung điều gì xảy ra trong câu chuyện: hoàn
cảnh, nơi chốn, nhân vật, xem họ cảm gì, nói gì, làm gì. Bạn cảm thấy Thiên Chúa
đang nói gì với bạn qua đoạn văn đó không? Thiên Chúa kêu gọi bạn làm gì?
b. Rồi bạn hãy thưa truyện với Chúa Cha, Chúa Giêsu, với Mẹ
Maria về điều bạn nghĩ và cảm thấy khi nghe lời Chúa.
c. Học thuộc lòng một câu ngắn hay một đoạn nhỏ mà bạn thấy quan
trọng hoặc điều nào đang tác động đặc biệt nơi bạn.
d. Quyết
tâm sống điều bạn cảm thấy lời Chúa mời gọi bạn làm.
Rồi bạn sẽ cảm thấy nhu cầu phải học kinh thánh sâu hơn nữa.
Hy vọng với những gợi ý
trên giúp bạn thấu hiểu lời Chúa.
TRIỂN KHAI CHIA SẺ LỜI CHÚA
1. Mỗi tuần, tối thiểu 30 phút, ai phụ trách sẽ chủ sự và điều động buổi “chia sẻ lời Chúa” để mọi người có thể tích cực tham gia.
2. Để chuẩn bị
cho buổi chia sẻ đó, xin được đề nghị như sau:
A. CHỦ ĐỀ: nêu chủ điểm hay điểm chung muốn nhấn mạnh cho
cả ba bài đọc phụng vụ, có thể khởi đi từ:
1. “Thực trạng” hôm nay …
* Nêu rõ những “dấu chỉ thời đại” (hiện tượng).
2. “Sứ điệp” lời Chúa …
* Rút ra lời mời gọi của Tin mừng (bài học).
3. “Viễn tượng” tương lai
…
* Nhận ra những đòi hỏi của thời đại (thách đố).
B. GỢI Ý: bằng một “vấn nạn”
1. Cho cộng đoàn: Từ lời Chúa đến cuộc sống (đời tông đồ).
* Mỗi tuần một “ý lực sống”.
2. Cho dân Chúa: Từ cuộc sống đến lời Chúa (đời chứng tá).
* Mỗi tuần một “bước đi”.
I. Khái niệm
Trong hiến pháp nền tảng
của dòng Đaminh, ngay từ đoạn đầu tiên đã viết rằng: “Sở dĩ anh em đoàn tụ làm một, là để sống hòa hợp trong một nhà và để đồng tâm nhất trí
với nhau trong Chúa” (HPNT số 1). Cho nên, không chỉ những tu sĩ
nam nữ của dòng anh em Giảng Thuyết sống chung với nhau, mà những anh chị em huynh
đoàn giáo dân cũng được mời gọi sống tinh thần cộng đoàn. Cùng tuân giữ kỷ luật
của dòng qua việc tuyên hứa, nhằm hiệp thông để các thành viên có thể sống theo
tinh thần của các lời khuyên Phúc âm, và nhất là đồng tâm nhất
trí với nhau trong ý thức trách nhiệm và thực hiện tốt sứ vụ của người Đaminh.
II. Đặc
điểm của đời sống cộng đoàn
1. Đời sống cộng đoàn nói
chung
Trong một cộng đoàn,
một tập thể, mọi người đều được mời gọi sống liên đới với nhau trong tình thương
yêu, thân ái, và chính nhờ sự liên kết yêu thương này, sẽ làm cho tập thể ngày
càng lớn mạnh. Không ai có thể tự mình làm được tất cả mọi việc, vì mỗi người
đều có khả năng ưu điểm cũng như những mặt hạn chế khác nhau. Vì thế, khi chúng
ta cùng sống trong một cộng đoàn, một tập thể, chúng ta cùng chia sẻ cho nhau
những vui buồn sướng khổ, và cùng đồng trách nhiệm trong sự thăng tiến, thành
bại cũng như sự tồn tại của cộng đoàn mà mỗi người là thành viên; nhờ đó, tập
thể mới phát triển và mỗi cá nhân mới có đủ cơ hội để thăng tiến trọn vẹn. Người
xưa có câu: “Ăn một mình đau tức, làm một
mình cực thân”. Như vậy chắc hẳn trong chúng ta, ai cũng nhận thấy tầm quan
trọng của đời sống chung.
2. Đời
sống cộng đoàn của các tu sĩ dòng Giảng Thuyết
Một trong bốn yếu tố
quan trọng đối với các tu sĩ dòng anh em Giảng Thuyết đó là “đời sống
cộng đoàn huynh đệ”, được thể hiện qua việc: Cầu nguyện cộng đoàn, học hành,
tuân giữ kỷ luật tu trì và nhất là cùng nhau chia sẻ sứ vụ giảng thuyết như là
ơn gọi riêng của dòng. Đời sống cộng đoàn đó còn thể hiện rõ nét tính dân chủ và
tinh thần trách nhiệm trong công việc.
a. Tính dân chủ
Đây là nét đặc biệt của
dòng, với phương cách điều hành và quản trị do bề trên và ban cố vấn điều hành
(tu viện, tỉnh dòng…) và do đoàn trưởng cùng với ban phục vụ các cấp (huynh
đoàn giáo dân). Các chức vụ này đều do các thành viên trong cộng đoàn bầu ra.
Do đó,
chúng ta thấy được mối tương quan của các thành viên là mối tương quan huynh
đệ: mọi thành viên đều bình đẳng với nhau trong sự tôn trọng.
Việc bầu cử trong dòng
theo nguyên tắc đa số để tạo điều kiện cho mọi người bày tỏ ý kiến của mình. Đồng
thời,
cũng là dịp để cho mỗi thành viên biết tôn trọng người khác. Và là cơ hội để
cho mỗi cá nhân biết rằng anh em không phải là những con người đứng bên cạnh, đứng
chung, nhưng là những người cùng sống, cùng làm việc, cùng chia sẻ với nhau mọi
điều thuận lợi cũng như những khó khăn để thăng tiến và phát triển cộng đoàn.
b. Tinh
thần trách nhiệm
Mỗi thành viên trong
cộng đoàn phải có tinh thần trách nhiệm, coi khó khăn của cộng đoàn cũng là của
mình, mọi người cùng chung vai gánh vác, chia sẻ với nhau các công việc chung
của cộng đoàn. Vì khi chúng ta tín nhiệm một người anh em vào một chức vụ là
chúng ta cùng quyết tâm chia sẻ trách nhiệm với người đó.
3. Người
giáo dân Đaminh với đời sống cộng đoàn
Sống trong tinh thần và
đoàn sủng của thánh Đaminh và là một thành phần của dòng anh em Giảng Thuyết, người giáo dân
Đaminh cũng được mời gọi tham gia vào đời sống cộng đoàn, nhưng việc sống chung
đối với người giáo dân là một ngoại lệ. Cũng như các tu sĩ, anh chị em giáo dân
Đaminh cũng là một phần tử của cộng đoàn sống liên đới yêu thương, do vậy danh
xưng của cộng đoàn giáo dân Đaminh là huynh đoàn: cộng đoàn của những người
sống tình huynh đệ. Trong luật sống của người giáo dân Đaminh cũng nêu rất rõ
về tình liên đới yêu thương trong đời sống chung (LS 14,15,18), và đối với anh
chị em giáo dân Đaminh, việc thể hiện tinh thần cộng đoàn được biểu lộ rõ nét
nhất nơi tình liên đới giữa các thành viên trong ban phục vụ và qua hai việc
làm thường kỳ sau đây:
- Đọc kinh cầu nguyện
chung với nhau: Đọc lại Luật Sống của người giáo dân Đaminh Việt Nam (LS 4-8)
cũng như luật chung của huynh đoàn Đaminh, chúng ta thấy việc cầu nguyện cộng
đoàn nơi người giáo dân Đaminh thật cần thiết và quan trọng: ở đó, mọi người cùng
chia sẻ cho nhau những vui buồn, thông báo tin tức để cùng nhau hiệp thông trong
lời cầu nguyện,
và cũng là dịp để mọi thành viên trong cộng đoàn cùng quy tụ lại với nhau trong
Chúa.
- Tham dự nguyệt hội:
Đây là điều bắt buộc đối với các thành viên trong huynh đoàn (xc LS 80), được
diễn ra một tháng một lần và là dấu chỉ rõ ràng nhất của tinh thần cộng đoàn
nơi người giáo dân Đaminh; mà ở đó mọi người cùng bàn bạc, tính toán, dự thảo
kế hoạch, sắp xếp phân công và cùng nhau cầu nguyện.
Tuy người giáo dân
Đaminh không phải sống chung với nhau trong một nhà, nhưng qua lời tuyên hứa,
họ vẫn được mời gọi sống cộng đoàn và được biểu lộ theo cách thức riêng của
người giáo dân. Tuy
nhiên, trên hết và trước hết, mọi người phải đặt trọng
tâm là bác ái, yêu thương huynh đệ, để rồi từ đó lòng yêu
mến của mỗi thành viên sẽ được tỏa sáng, hầu có thể đem tình
thương và chân lý của Chúa tỏa sáng khắp cho mọi người.
III. Kết luận
Chúng ta vẫn từng được
nghe nói: không ai là một hòn đảo, hay một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên
hòn núi cao; ta thấy được tầm quan trọng của đời sống chung trong xã hội
loài người, và ở đó, mỗi cá nhân đem hết tài lực khả năng của mình ra đóng góp
cho cộng đồng,
và cách riêng anh chị em trong huynh đoàn giáo dân chúng ta, phải
đem tình bác ái của Chúa Kitô, áp dụng tinh thần và đoàn sủng của dòng anh em Giảng Thuyết
mà cùng xây dựng huynh đoàn, để chính nhờ đó, chúng
ta giúp nhau nên thánh đồng thời cũng là một phương thế hữu hiệu để truyền rao
Tin mừng.
Comments
Post a Comment