Huấn luyện căn bản 1

Thời kỳ thỉnh sinh


LỊCH SỬ CỨU ĐỘ

1. Lịch sử cứu độ là gì?

Lịch sử cứu độ là những kỳ công mà Thiên Chúa thực hiện từ ngày sáng thế cho tới tận thế, qua những biến cố, lời nói, việc làm, để ban ơn cứu độ cho loài người.

Nói cách khác, lịch sử cứu độ là cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa Thiên Chúa và loài người, bắt đầu từ việc Thiên Chúa sáng tạo, trải qua các bước thăng trầm trong thời gian, nhưng luôn quy hướng về Chúa Kitô là trung tâm của lịch sử và hoàn tất khi Chúa Kitô quang lâm.


2. Lịch sử cứu độ được Thiên Chúa thực hiện qua mấy thời kỳ?

Lịch sử cứu độ được Thiên Chúa thực hiện qua 2 thời kỳ:

- Cựu ước gồm: sáng tạo, sa ngã, giao ước.

- Tân ước gồm: nhập thể, loan báo Tin mừng, tử nạn và phục sinh, Chúa Thánh Thần hoạt động trong hội thánh.


3. Thánh kinh nói gì về việc Thiên Chúa sáng tạo?

Theo sách Sáng Thế, Thiên Chúa sáng tạo trong một tuần lễ: làm việc trong sáu ngày, và ngày thứ bảy Người nghỉ ngơi. Trong sáu ngày làm việc, Thiên Chúa sáng tạo mọi sự tốt đẹp, theo một chương trình, một trình tự có liên quan với nhau (x. St 1,1-31).


4. Chúng ta xác tín điều gì về việc Thiên Chúa sáng tạo?

Chúng ta xác tín:

- Chỉ có một Thiên Chúa là Đấng sáng tạo nên vũ trụ này.

- Thiên Chúa dùng lời quyền năng của mình mà sáng tạo muôn loài, muôn vật từ hư không.

- Thiên Chúa sáng tạo con người giống hình ảnh Người.


5. Tại sao con người sa ngã?

Vì ông Ađam và bà Evà coi thường mệnh lệnh của Thiên Chúa, không chấp nhận thân phận con người có giới hạn của mình (x. St 3,1-24).


6. Đâu là hậu quả mà con người phải chịu sau khi sa ngã?

Sau khi sa ngã:

- Con người mất sự gần gũi thân thiện với Thiên Chúa.

- Bất hòa với nhau.

- Mất sự hòa hợp với thiên nhiên.

- Con người phải đau khổ và phải chết (x. St 3,10-17).


7. Tội lỗi lan tràn như thế nào?

Sau khi con người sa ngã, tội lỗi đã lan tràn khắp nhân gian: Cain giết em mình là Aben (x. St 4,1-16), lụt hồng thủy (x. St 6,5-7,24), tháp Baben (x. St 11,1-9) …


8. Lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện như thế nào?

Dù con người không vâng phục và khước từ Thiên Chúa, nhưng Người vẫn yêu thương và hứa ban Đấng Cứu Thế cho con người (x. St 3,15).


9. Thiên Chúa chuẩn bị công trình cứu độ như thế nào?

Thiên Chúa đã kêu gọi ông Abraham. Ông hết lòng tin tưởng, tuân theo. Thiên Chúa đã ký kết với Abraham một giao ước và ông trở thành tổ phụ của dân Israel, dân riêng của Thiên Chúa (x. St 12,1-9).


10. Hoàn cảnh của dân Israel tại Ai Cập như thế nào?

Vì cơn đói kém, Giacóp và gia đình ông phải rời bỏ xứ Canaan đến lập cư ở Ai Cập. Tại đây, ban đầu nhờ công lao của ông Giuse, dân Israel được đối xử tử tế và phát triển nhanh chóng. Nhưng rồi các vua sau đó không còn biết đến Giuse, nên họ bị người Ai Cập bắt làm nô lệ. Vì sợ dân Israel lớn mạnh, vua Ai Cập đã ra lệnh giết chết những con trai mới sinh của họ (x. Xh 1,1-22).


11. Thiên Chúa tuyển chọn và hứa điều gì với Môsê?

Khi Môsê đang chăn chiên tại Mađian, Thiên Chúa nói với ông trong ngọn lửa giữa bụi gai, trên núi Khôrép: “Ta ở với ngươi” (Xh 3,13). Người sai ông trở về Ai Cập gặp vua Pharaô, yêu cầu nhà vua phóng thích dân Israel ra khỏi Ai Cập (x. Xh 3-4).


12. Trên núi Sinai, Thiên Chúa thiết lập giao ước với dân Israel qua ai?

Qua ông Môsê, Thiên Chúa đã thiết lập giao ước Sinai để đảm bảo cho dân Israel một sự duy nhất vững chắc và lâu bền (x. Xh 19,3-8).


13. Nội dung của giao ước Sinai là gì?

Thiên Chúa nhận dân Israel là dân riêng; Người yêu thương, dẫn dắt họ. Ngược lại, dân Israel phải trung thành và tôn thờ Thiên Chúa là Thiên Chúa duy nhất (x. Xh 19,3-8).


 14. Nội dung Mười điều răn Thiên Chúa ban cho dân Israel là gì?

Mười điều răn gồm tóm mọi nghĩa vụ của con người đối với Thiên Chúa và đối với anh em đồng loại, bản thân, vạn vật.


15. Hoàn cảnh của dân Israel sau khi vào đất hứa như thế nào?

Dân Israel được Thiên Chúa đưa vào đất hứa. Họ có đất đai và trở thành một quốc gia. Một quốc gia không có vua, không có thủ đô, không có nghị viện ... Họ chỉ hợp nhất bằng tôn giáo mà tượng trưng là Hòm Bia giao ước. Chính Thiên Chúa trực tiếp chăn dắt và hướng dẫn dân.


16. Nguyên nhân thúc đẩy dân Israel có nền quân chủ?

Vì ngôn sứ Samuen đã già yếu và hai người con trai ông không trung thành với lề luật của Chúa; ngoài ra, vì dân Israel thấy các nước xung quanh đều có vua, nên đã yêu cầu Samuen đặt cho mình một vị vua (x. 1Sm 8,1-9).  


17. Các vị vua tiêu biểu của dân Israel là ai?

Vị vua đầu tiên của dân Israel là Saun, nhưng tiêu biểu là các vua: Đavít, Salomon ...


18. Vương quốc Israel bị chia rẽ như thế nào?

Dưới sự lãnh đạo của vua Giarópam, miền Bắc nổi lên chống miền Nam và đòi ly khai vào năm 931 TCN, lấy Samari làm thủ đô (x. 1V 12,20-33).


19. Vai trò của các ngôn sứ là gì?

- Nhắc nhở dân Israel trung thành với giao ước: Dân phải thờ phượng một Thiên Chúa chân thật, siêu việt mà thôi. Đồng thời, họ cũng phải sống công bằng và bác ái với nhau.

- Loan báo Đấng Cứu Thế sẽ đến để hoàn tất mọi lời Thiên Chúa đã hứa, dù dân phản bội và không đón nhận Người.


20. Thiên Chúa thực hiện chương trình cứu độ như thế nào?

Để thực hiện chương trình cứu độ, Thiên Chúa Cha đã cho Con Một nhập thể làm người là Đức Giêsu Kitô, Đấng rao giảng nước trời, kêu gọi con người sám hối và tin vào Tin mừng để được ơn cứu độ (x. Mc 1,14-15).


 21. Thiên Chúa thiết lập giao ước mới với nhân loại như thế nào?

Thiên Chúa thiết lập giao ước mới với nhân loại bằng Máu Đức Giêsu Kitô. Nội dung: “Đây là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em … Chén này là giao ước mới, lập bằng Máu Thầy” (x. 1 Cr 11,25).


22. Sự khác biệt khi ký kết giữa giao ước cũ và giao ước mới là gì?

Trong giao ước cũ, Thiên Chúa thường dùng máu chiên bò để ký giao ước với loài người. Còn trong giao ước mới, Thiên Chúa đã dùng chính máu Con Một Người là Đức Kitô.


23. Đức Giêsu hoàn tất chương trình cứu độ như thế nào?

Sau ba năm rao giảng Tin mừng, Đức Giêsu đã chịu khổ hình thập giá, được mai táng trong mồ, đến ngày thứ ba Người sống lại và lên trời (x. Mt 26,1 - 28,20).


24. Đức Giêsu thiết lập hội thánh như thế nào?

Đức Giêsu đã chọn mười hai người gọi là tông đồ, để các ông chia sẻ sứ mạng của Người và trao cho Phêrô quyền cai quản hội thánh (x. Mt 10,1-10).


25. Chúa Thánh Thần xây dựng và thánh hóa hội thánh thế nào?

Chúa Thánh Thần ban sức sống cho hội thánh, hợp nhất các tín hữu nên một, giúp hội thánh chu toàn sứ mạng rao giảng Tin mừng. Đồng thời, Chúa Thánh Thần cũng dạy người tín hữu cầu nguyện, thúc đẩy họ sống mến Chúa yêu người và làm chứng cho tình yêu của Chúa (x. Ga 14,21-26).


26. Để được thông phần vào ơn cứu độ của Thiên Chúa, chúng ta cần phải chuẩn bị và thực thi điều gì?

Con người không thể được cứu độ nếu không tích cực cộng tác vào ơn cứu độ bằng cách hiệp nhất với Đức Giêsu Kitô: hiệp nhất trong đức tin, đức cậy, đức mến và bí tích.


27. Khi nào lịch sử cứu độ sẽ kết thúc?

Đó là ngày tận thế. Ngày lịch sử cứu độ được hoàn tất và hồng ân cứu độ được đem đến cho toàn thế giới, vũ trụ và con người. Xác loài người sẽ sống lại vinh quang. Muôn loài muôn vật sẽ được giải thoát khỏi cảnh hư nát. Ngày đó, Đức Kitô ngự đến trong vinh quang của Người.



GIÁO LÝ VỀ TÍN LÝ

 28. Tín lý là gì?

Tín là tin; lý là lẽ. Vậy, tín lý là những lẽ thật phải tin.


 29. Vì sao ta phải tuân theo huấn quyền của hội thánh ?

Vì đây là huấn quyền sống động được ủy thác riêng cho hội thánh. Quyền này được thi hành nhân danh Chúa Giêsu Kitô, nghĩa là được ủy thác cho các giám mục hiệp thông với vị kế nhiệm thánh Phêrô, là giám mục Rôma (x. GLHTCG số 85).


30. Con người sống ở đời này để làm gì?

Con người sống ở đời này để tìm hạnh phúc và hạnh phúc thật là được hiệp thông với Thiên Chúa.


31. Con người nhận biết Thiên Chúa như thế nào?

Con người nhận biết Thiên Chúa bằng hai cách:

- Nhờ xem vẻ đẹp kỳ diệu và trật tự trong vũ trụ.

- Khi nhìn vào lòng mình, con người thấy có tiếng lương tâm bảo làm lành lánh dữ, có tự do và khát vọng hạnh phúc vô biên.


32. Mạc khải là gì?

Mạc khải là việc Thiên Chúa tỏ bày cho con người biết Thiên Chúa là ai và Người muốn gì. Nhờ đó, con người có thể đến với Thiên Chúa và hiệp thông với Người.


33. Thánh truyền là gì?

Thánh truyền là mạc khải của Thiên Chúa mà Đức Giêsu đã trao phó cho các tông đồ và các đấng kế vị, để các ngài gìn giữ, trình bày và rao giảng cách trung thành.


34. Người Kitô hữu phải tin những gì?

Người Kitô hữu tin tất cả những gì chứa đựng trong lời Thiên Chúa được viết thành văn hoặc lưu truyền, và được hội thánh dạy phải tin, như là những tín điều được Thiên Chúa mạc khải (x. GLHTCG, số 182).

 

35. Người Kitô hữu phải tin những điều căn bản nào?

Những điều căn bản mà người Kitô hữu phải tin gồm 12 điều trong kinh Tin Kính:

1. Một Thiên Chúa duy nhất, là Cha toàn năng.

2. Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa.

3. Đức Giêsu làm người.

4. Đức Giêsu chịu nạn, chịu chết.

5. Đức Giêsu sống lại.

6. Đức Giêsu lên trời.

7. Đức Giêsu quang lâm.

8. Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống.

9. Đức Giêsu thiết lập hội thánh. Hội thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.

10. Ơn tha tội.

11. Xác loài người sống lại.

12. Sự sống đời sau.


36. Vì sao người Kitô hữu chúng ta tuyên xưng một Thiên Chúa duy nhất?

Thiên Chúa đã mạc khải cho dân Israel biết Ngài là Thiên Chúa duy nhất, khi nói: "Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất" (Đnl 6, 4). Và chính Đức Giêsu cũng xác nhận: Thiên Chúa là "Đức Chúa duy nhất" (Mc 12, 29) (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 37).


37. Mầu nhiệm trung tâm của đức tin và đời sống Kitô giáo là mầu nhiệm nào?

Mầu nhiệm trung tâm của đức tin và đời sống Kitô giáo là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Người Kitô hữu được rửa tội nhân danh Cha và Con và Thánh Thần (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 44).


38. Chỉ dùng lý trí, con người có thể nhận biết mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi không?

Đời sống nội tại của Ba Ngôi chí thánh là một mầu nhiệm mà lý trí thuần túy của con người không thể nào đạt đến được (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 45).


39. Nhờ đâu con người nhận biết mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi?

Nhờ Đức Giêsu mạc khải mà con người mới nhận biết được mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi (x. Mt 28,19).

 

40. Các Ngôi vị Thiên Chúa hoạt động thế nào?

Ba Ngôi cùng hoạt động trong mọi công trình, nhưng mỗi Ngôi vị biểu lộ nét riêng biệt: Chúa Cha sáng tạo, Chúa Con cứu chuộc, Chúa Thánh Thần thánh hóa.


41. Thiên Chúa đã sáng tạo vũ trụ như thế nào?

Thiên Chúa đã sáng tạo vũ trụ từ hư vô và gìn giữ vạn vật trong sự hiện hữu, nâng đỡ và ban cho nó khả năng hoạt động, đồng thời hướng dẫn nó đến sự trọn hảo (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 54).


42. Thiên Chúa dựng nên con người với mục đích gì?

Con người được dựng nên để nhận biết, phục vụ và yêu mến Thiên Chúa; hầu ở trần gian này, họ dâng lên Thiên Chúa mọi thụ tạo mà tạ ơn Ngài (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 67).


43. Thiên Chúa ban cho con người đặc ân nào?

Thiên Chúa đã ban cho tổ tông loài người được sống trong ơn nghĩa với Thiên Chúa, không phải đau khổ và không phải chết. Nhưng hạnh phúc ấy đã mất khi tổ tông phạm tội.


44. Tội tổ tông truyền là gì?

Tội tổ tông truyền là tình trạng mất sự thánh thiện và công chính nguyên thủy. Đó là một tội mà chúng ta "vướng mắc" chứ không phải là một tội mà chúng ta vấp phạm; đó là tình trạng lúc chào đời chứ không phải là một hành vi cá nhân. Tội này được truyền lại cho con cháu của Ađam trong bản tính loài người qua việc truyền sinh (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 76).


45. Thiên Chúa đã làm gì sau tội đầu tiên của con người?

Sau tội đầu tiên, thế gian đã tràn ngập tội lỗi, nhưng Thiên Chúa đã không bỏ rơi con người dưới quyền lực sự chết. Trái lại, Người đã tiên báo sự dữ sẽ bị đánh bại và con người sẽ được cứu độ (x. St 3,15) (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 78).


46. Tại sao Con Thiên Chúa làm người?

Con Thiên Chúa làm người vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, nghĩa là chúng ta được giao hòa với Thiên Chúa:

- Để chúng ta biết tình thương vô bờ của Người,

- Để Người nên mẫu gương thánh thiện cho chúng ta, 

- Để cho chúng ta “được thông phần bản tính Thiên Chúa” (2 Pr 1,4) (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 85).


47. Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa thật, vừa là con người thật như thế nào?

Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và là con người thật, không thể tách rời nhau trong sự duy nhất của Ngôi vị Thiên Chúa của Người. Chính Người là Con Thiên Chúa, là Đấng "được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha". Người thật sự trở thành con người, trở thành anh em của chúng ta (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 87).


48. Mầu nhiệm Vượt Qua có tầm quan trọng như thế nào?

Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu, bao gồm cuộc khổ nạn, cái chết, sự phục sinh và tôn vinh của Người, là trung tâm của đức tin Kitô giáo. Chương trình cứu độ của Thiên Chúa được hoàn tất, nhờ cái chết của Đức Giêsu (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 112).


49. Đức Giêsu đã chịu chết như thế nào?

Đức Giêsu đã chịu đóng đinh và chết trên thập giá. Xác Người được mai táng trong mồ. Còn linh hồn Người thì xuống ngục tổ tông, để loan báo Tin mừng cứu độ cho những người công chính đã chết trước khi Người đến.


50. Hiệu quả hy tế của Đức Giêsu trên thập giá là gì?

Đức Giêsu tự nguyện hiến dâng mạng sống mình làm hy lễ đền tội cho chúng ta bằng sự vâng phục trọn vẹn của Người. Do vậy, hy lễ Vượt Qua của Đức Giêsu cứu chuộc mọi người và giúp họ hiệp thông với Thiên Chúa (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 122).


51. Những "dấu chỉ" nào làm chứng cho sự phục sinh của Đức Giêsu?

Ngoài dấu chỉ chính yếu là ngôi mồ trống, sự phục sinh của Đức Giêsu được làm chứng bởi một số phụ nữ, là những người đầu tiên đã gặp Người và đã báo tin cho các tông đồ. Tiếp đó, Đức Giêsu đã hiện ra với Phêrô, rồi với nhóm mười hai. Sau đó, Người hiện ra cùng một lúc với hơn năm trăm anh em (1 Cr 15,5-6) và còn nhiều người khác nữa (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 127).


52. Việc Đức Giêsu sống lại chứng thực điều gì?

Việc Đức Giêsu sống lại chứng thực điều này:

- Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa.

- Những lời hứa trong Thánh kinh được thực hiện.

- Mọi điều Đức Giêsu đã nói và đã làm đều chân thật.

 

53. Việc Chúa Giêsu lên trời có ý nghĩa gì?

Chúa Giêsu lên trời nghĩa là nhân tính của Người vĩnh viễn đi vào vinh quang của Thiên Chúa. Từ nơi đó, Người sẽ trở lại (x. Cv 1,11) (x. sách GLHTCG 665).

Chúa Giêsu Kitô là đầu của hội thánh, đi trước chúng ta vào vương quốc vinh hiển của Chúa Cha, để chúng ta là chi thể của thân thể Người, sống trong niềm hy vọng một ngày kia cũng sẽ được theo Người, đến nơi Người đã dọn sẵn cho chúng ta (x. sách GLHTCG 666).

Chúa Giêsu Kitô đã tiến vào cung thánh trên trời ngự bên hữu Chúa Cha. Người không ngừng chuyển cầu cho chúng ta với tư cách là Đấng trung gian (x. sách GLHTCG 667).


54. Chúa Thánh Thần là Đấng nào?

Chúa Thánh Thần là Ngôi thứ ba của Ba Ngôi Cực Thánh; Người xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con. Người "được phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con" (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 136).


55. Chúa Thánh Thần làm gì trong hội thánh?

Chúa Thánh Thần xây dựng và thánh hóa hội thánh: Người làm cho những người đã lãnh nhận bí tích thanh tẩy, nhận lại được ơn giống Thiên Chúa đã bị đánh mất vì tội lỗi; Người giúp họ sống trong Đức Kitô bằng chính sự sống của Ba Ngôi; Người sai họ đi làm chứng cho Chân lý của Đức Kitô (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 145).


56. Đức Kitô và Thánh Thần của Người hoạt động như thế nào trong tâm hồn các tín hữu?

Nhờ các bí tích, Đức Kitô thông truyền Thánh Thần của Người và ân sủng của Thiên Chúa cho toàn thể nhân loại. Thánh Thần còn là Thầy dạy chúng ta cầu nguyện (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 146).


57. Hội thánh là gì?

Hội thánh là dân được Thiên Chúa kêu gọi và quy tụ từ khắp nơi trên thế giới, gồm những người, nhờ đức tin và bí tích thanh tẩy, trở thành con cái Thiên Chúa, chi thể của Đức Kitô và đền thờ của Chúa Thánh Thần (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 147).


58. Hội thánh Công giáo có những đặc tính nào?

Hội thánh Công giáo có bốn đặc tính: duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.


59. Tại sao hội thánh có đặc tính duy nhất?

Vì hội thánh có nguồn gốc là Thiên Chúa Ba Ngôi; có Đấng sáng lập là Đức Giêsu; có Chúa Thánh Thần hợp nhất các tín hữu. Hội thánh có cùng một đức tin, một đời sống bí tích, cùng một niềm hy vọng và cùng một đức mến (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 161).


60. Tại sao hội thánh có đặc tính thánh thiện?

Vì Thiên Chúa là tác giả của hội thánh. Trong hội thánh có các bí tích là phương tiện giúp con người nên thánh thiện. Sự thánh thiện là ơn gọi của từng người và là mục đích của mọi hoạt động của hội thánh. Trong hội thánh có Đức Maria và rất nhiều vị thánh là gương mẫu (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 165).


61. Tại sao hội thánh được gọi là công giáo?

Hội thánh có đặc tính là công giáo, nghĩa là phổ quát, vì Đức Kitô hiện diện trong hội thánh. Hội thánh loan báo sự toàn diện và toàn vẹn của đức tin. Hội thánh cũng được sai đến với mọi dân tộc ở mọi thời đại và mọi nền văn hóa (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 166).


62. Tại sao hội thánh có đặc tính tông truyền?

Căn cứ vào nguồn gốc, vì hội thánh được "xây dựng trên nền tảng các tông đồ" (Ep 2,20); căn cứ vào giáo lý là giáo huấn của các tông đồ; và căn cứ vào cơ cấu, vì hội thánh được xây dựng, thánh hóa và hướng dẫn cho đến ngày Chúa quang lâm bởi các thánh tông đồ, nhờ những vị kế nhiệm các ngài là các giám mục hiệp thông với vị kế nhiệm thánh Phêrô (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 174).


63. "Các thánh thông công" có ý nghĩa gì?

Trước hết nói lên sự tham dự chung của tất cả các thành phần hội thánh vào những thực tại thánh: đức tin, các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể. Cội nguồn của sự hiệp thông là đức ái (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 194).

Điều này còn nói lên sự hiệp thông giữa những người thánh, nghĩa là những ai, nhờ ân sủng, được kết hợp với Đức Kitô chịu chết và sống lại: hội thánh lữ hành; hội thánh thanh luyện và hội thánh khải hoàn.


64. Đức Maria được tôn kính như thế nào?

Đức Maria được tôn kính cách đặc biệt, nhưng khác hẳn với việc tôn thờ chỉ dành riêng cho Ba Ngôi cực thánh. Việc tôn kính đặc biệt này được diễn tả trong các ngày lễ phụng vụ dâng kính Đức Mẹ và các kinh nguyện (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 198).


65. Theo Kitô giáo, sự chết có ý nghĩa gì?

Theo Kitô giáo, chết là kết thúc cuộc sống trần gian, là hậu quả của tội lỗi và là một biến đổi đi vào cuộc sống mới.


66. Khi chết, điều gì xảy ra cho linh hồn và thân xác chúng ta?

Khi chết, linh hồn và thân xác sẽ tách rời nhau, thân xác sẽ bị hủy hoại, trong khi linh hồn sẽ chịu sự phán xét của Thiên Chúa và chờ đợi ngày được kết hợp lại với thân xác trong ngày Chúa quang lâm (x. sách GLHTCG, số 1016).


67. Thiên đàng là gì?

Thiên đàng là tình trạng hạnh phúc tối thượng và vĩnh viễn. Ai chết trong ân sủng của Thiên Chúa sẽ được quy tụ quanh Đức Giêsu và Mẹ Maria, các thiên thần và các thánh. Các Ngài tạo thành hội thánh thiên quốc, sống trong sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi và hằng chuyển cầu cùng Chúa cho chúng ta (x. sách GLHTCG, số 1024).


68. Luyện ngục là gì?

Luyện ngục là tình trạng của những người chết trong ân sủng và tình thân với Thiên Chúa, mặc dù được đảm bảo ơn cứu độ vĩnh cửu, nhưng họ còn phải chịu thanh luyện trước khi được hưởng hạnh phúc thiên đàng (x. sách GLHTCG, số 1030).


69. Hỏa ngục hệ tại điều gì?

Hỏa ngục hệ tại án phạt đời đời dành cho những ai chết trong tình trạng có tội trọng. Hình phạt chính yếu của hỏa ngục là xa cách Thiên Chúa đời đời (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 212).

 

 ƠN GỌI - SỨ MẠNG

Phần A

Ơn gọi và sứ mạng của người Kitô hữu giáo dân

 

70. Người Kitô hữu là ai?

Người Kitô hữu là những người đã được tháp nhập vào Đức Kitô nhờ bí tích thanh tẩy, được trở nên thành phần của dân Thiên Chúa, được tham dự vào nhiệm vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế của Đức Kitô theo cách thức của mình, theo phần vụ của mình mà thực thi sứ vụ của toàn dân Kitô giáo trong hội thánh và trên trần gian (x. GLHTCG, số 871).


71. Ơn gọi là gì?

Ơn gọi là lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa ngỏ với mỗi người. Ơn gọi bao trùm toàn bộ cuộc sống của mỗi người và làm cho cuộc đời của họ trở nên có ý nghĩa. Mỗi ơn gọi đều đi kèm với một sứ mạng mà Thiên Chúa trao ban.


72. Ơn gọi phát xuất từ đâu?

Ơn gọi phát xuất từ Thiên Chúa: Thiên Chúa mời gọi mỗi người bước theo một ơn gọi riêng. Thiên Chúa có thể trực tiếp mời gọi, nhưng thường thì Người kêu gọi chúng ta một cách gián tiếp qua những biến cố hoặc gương sáng hay lời mời gọi của người khác ...


73. Chúng ta có những ơn gọi nào?

Chúng ta có:

- Ơn gọi chung: Ơn gọi làm người.

- Ơn gọi căn bản: Ơn gọi Kitô hữu.

- Ơn gọi riêng: Ơn gọi theo từng bậc sống.


74. Ơn gọi của người Kitô hữu giáo dân là gì?

Người Kitô hữu giáo dân có ơn gọi riêng là tìm kiếm nước Thiên Chúa, bằng việc quản trị và sắp xếp các thực tại trần gian theo ý Thiên Chúa. Khi lãnh bí tích thanh tẩy, họ thực hiện ơn gọi nên thánh và hoạt động tông đồ (x. GLHTCG, số 898).

 

75. Sứ mạng là gì?

Sứ mạng là nhiệm vụ riêng biệt được trao phó. 


76. Người Kitô hữu lãnh nhận sứ mạng từ khi nào?

Ngay từ khi lãnh nhận bí tích thanh tẩy, người Kitô hữu được tham dự vào ba chức vụ của Chúa Kitô là tư tế, ngôn sứ và vương đế.


77. Người Kitô hữu giáo dân tham gia vào chức vụ tư tế của Đức Kitô như thế nào?

Người Kitô hữu giáo dân tham gia vào chức vụ tư tế khi dâng Thánh lễ, cùng với tất cả các hoạt động, lời cầu nguyện và dấn thân truyền giáo, cuộc sống gia đình và lao động hằng ngày, những khó khăn trong cuộc sống và những lúc thư giãn thân xác và tinh thần ... (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 189).


78. Người Kitô hữu giáo dân tham dự vào chức vụ ngôn sứ của Đức Kitô thế nào?

Người Kitô hữu giáo dân tham dự vào chức vụ ngôn sứ của Đức Kitô khi luôn đón nhận trong đức tin lời của Đức Kitô và loan báo lời đó cho thế giới bằng chứng từ đời sống của họ, cũng như qua lời nói, hoạt động rao giảng Tin mừng và dạy giáo lý (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 190).


79. Người Kitô hữu giáo dân tham dự vào chức vụ vương đế của Đức Kitô thế nào?

Người Kitô hữu giáo dân tham dự vào chức vụ vương đế của Đức Kitô khi đón nhận từ nơi Người quyền năng chiến thắng tội lỗi, qua việc từ bỏ bản thân và sống đời sống thánh thiện (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 191).


80. Bí tích thanh tẩy giúp ích gì cho đời sống người Kitô hữu giáo dân?

Qua bí tích thanh tẩy, người Kitô hữu giáo dân trở thành chi thể của Đức Kitô. Toàn thể cuộc đời người Kitô hữu như những hy sinh, đau khổ, lao nhọc hằng ngày … nếu được sống trong sự hiệp thông với Đức Kitô, đều góp phần vào việc cứu rỗi bản thân và toàn thể hội thánh (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 263; x. Giáo dân thời đại mới - Học hỏi về tông huấn “Kitô hữu giáo dân”, tr.17).

 

 81. Bí tích thêm sức giúp ích gì cho đời sống người Kitô hữu giáo dân?

Qua bí tích thêm sức, người Kitô hữu giáo dân được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần, và tham dự vào chính sứ mạng của Đức Kitô là loan báo Tin mừng. Họ trở nên chứng tá đức tin, có nhiệm vụ bảo vệ và mở mang nước Chúa (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 268; x. Giáo dân thời đại mới-Học hỏi về tông huấn “Kitô hữu giáo dân”, tr.17).


82. Bí tích Thánh Thể giúp ích gì cho đời sống người Kitô hữu giáo dân?

Bí tích Thánh Thể:

- Làm tăng triển sự hiệp thông của chúng ta với Đức Kitô và hội thánh.

- Bảo toàn và canh tân đời sống ân sủng mà chúng ta đã nhận được khi lãnh nhận bí tích thanh tẩy và thêm sức.

- Giúp tăng triển tình yêu đối với tha nhân và mạnh mẽ trong đức ái.

 - Xóa tội nhẹ và gìn giữ chúng ta tránh được tội trọng trong tương lai.

(x. Bản Toát yếu sách GLHTCG, số 292).


83. Người Kitô hữu giáo dân thực thi sứ mạng loan báo Tin mừng như thế nào?

Vì:

- Sứ mạng loan báo Tin mừng phát xuất từ lệnh truyền của Đức Kitô: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho tất cả mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15).

- Loan báo Tin mừng là một hồng ân của Thiên Chúa mà người Kitô hữu giáo dân cần phải chia sẻ đức tin cho anh chị em mình.

- Loan báo Tin mừng là một bổn phận không thể thiếu trong đời sống của người Kitô hữu giáo dân, như lời thánh Phaolô: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng” (1 Cr 9, 16).

Nên, người Kitô hữu giáo dân chu toàn sứ mạng loan báo Tin mừng là làm cho Tin mừng thấm nhập vào từng tâm hồn, từng môi trường sống, bằng chứng tá đời sống và bằng tất cả mọi cách thế hữu hiệu nhất, mà họ có thể có, để giới thiệu Đức Kitô cho trần gian.

 

 Phần B

Ơn gọi và sứ mạng của người giáo dân Đaminh

 

84. Ơn gọi giáo dân Đaminh là gì ?

Được Chúa Thánh Thần tác động, người giáo dân Đaminh sống ơn gọi Kitô hữu của mình theo đoàn sủng dòng anh em Giảng Thuyết, nhờ việc tuyên hứa tuân giữ Luật Sống huynh đoàn giáo dân Đaminh (x. LS 2 tr. 9).


85 Tên gọi chính thức của dòng là gì?

Ordo Prædicatorum (viết tắt là OP): dòng anh em Giảng Thuyết (thường gọi là dòng Đaminh) vì do thánh Đaminh sáng lập.


86. Đức giáo hoàng nào đã ban hành sắc lệnh thành lập và tuyên bố dòng anh em Giảng Thuyết?

Đức Hônôriô III ban hành sắc lệnh thành lập dòng vào ngày 22-12-1216 và chính thức tuyên bố thành lập ngày 21-01-1217.


87. Những khẩu hiệu, châm ngôn tiêu biểu của dòng là gì?

- Chỉ nói với Chúa và về Chúa (Cum Deo aut de Deo).

- Chiêm niệm và thông truyền cho người khác điều mình chiêm niệm (Contemplare et contemplata aliis tradere).

- Ca ngợi, chúc tụng, giảng thuyết (Laudare, benedicere, prædicare).

- Chân lý (Veritas).


88. Hai huy hiệu chính thức của dòng là những huy hiệu nào?

Hai huy hiệu chính thức của dòng là:


 

- Huy hiệu hoa huệ (Stemma liliatum): Nổi bật là Thánh giá được trang điểm với hoa huệ ở 4 chóp, được gắn lên trên nền chữ X, mang 2 màu của áo dòng: trắng và đen.

Bắt đầu từ nghi thức thu nhận, anh chị em được mang huy hiệu dòng như một dấu chỉ anh chị em được thánh hiến và thuộc về Đức Kitô.

 

    89. Sứ mạng người giáo dân Đaminh là gì?

Tham gia vào sứ vụ tông đồ của dòng, người giáo dân Đaminh dấn thân cho việc loan báo Tin mừng cứu độ cho mọi người bằng đời sống cầu nguyện, hiệp thông huynh đệ, chuyên cần học hỏi và hoạt động  tông đồ theo hoàn cảnh riêng (LS 4 tr 9).


90. Đoàn sủng của dòng anh em Giảng Thuyết là gì? 

Đoàn sủng của dòng anh em Giảng Thuyết là rao giảng lời Chúa. Ngay từ thời sơ khai, dòng đã được hội thánh nhìn nhận là những “anh em tận hiến cho việc công bố lời Thiên Chúa, loan truyền danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, trên toàn thế giới” (Trích thư của đức Hônôriô III gửi thánh Đaminh ngày 18-1-1221).


91. Thánh Đaminh đã chọn nếp sống nào để thực thi đoàn sủng của dòng?

Thánh Đaminh đã chọn cho dòng nếp sống tu trì được khởi hứng từ đời sống của các tông đồ. Điểm nổi bật của nếp sống này là vừa chiêm niệm vừa rao giảng; hai yếu tố này bổ túc cho nhau, tạo nên một đời sống tông đồ trọn vẹn, nghĩa là việc giảng thuyết phải phát sinh từ sự chiêm niệm và ngược lại, việc giảng thuyết đem lại cho chiêm niệm một sắc thái riêng (x. HPNT §IV).


92. Đoàn sủng và nếp sống tông đồ của dòng phát triển trong hội thánh thế nào?

Trong suốt tám trăm năm, nếp sống tông đồ đặc biệt do thánh Đaminh khởi xướng đã không ngừng lôi cuốn các Kitô hữu gia nhập dòng để trở thành các tu sĩ Đaminh “lo việc giảng thuyết và ơn cứu độ các linh  hồn” (x. Hiến pháp tiên khởi của dòng anh em Giảng Thuyết).

Đặc biệt, còn có đông đảo các Kitô hữu giáo dân cũng chia sẻ vào đoàn sủng và nếp sống này của dòng.


93. Dòng anh em Giảng Thuyết gồm có những thành phần nào?

Dòng anh em Giảng Thuyết gồm các thành phần:

- Tư giáo: Các tu sĩ được đào tạo trở thành linh mục.

- Tu huynh (Trợ sĩ): Các tu sĩ không lãnh nhận tác vụ linh mục.

(Hai thành phần này trước đây gọi là dòng nhất).

- Nữ đan sĩ: Chị em nữ tu kín.

(Trước đây gọi là dòng nhì).

- Chị em sống nội vi; các huynh đoàn: huynh đoàn giáo sĩ, huynh đoàn giáo dân.

(Trước đây gọi là dòng Ba).


94. Việc tuyên hứa của thành viên huynh đoàn có được hiểu như là việc khấn dòng của tu sĩ Đaminh không?

Qua việc tuyên hứa, các thành viên huynh đoàn gia nhập vào ngành giáo dân của dòng và được gọi là giáo dân Đaminh, không là “tu sĩ” có lời khấn. Chính vì vậy, các thành viên huynh đoàn tham dự vào sứ vụ và nếp sống tông đồ của dòng theo mức độ phù hợp với ơn gọi giáo dân của mình.


95. Huynh đoàn giáo dân Đaminh được hội thánh nhìn nhận thế nào?

Huynh đoàn giáo dân Đaminh là hiệp hội Kitô hữu giáo dân được hội thánh châu phê với bản Quy luật dành riêng cho các thành viên. Huynh đoàn giáo dân Đaminh được đặt dưới sự lãnh đạo và điều hành của dòng anh em Giảng Thuyết (x. TB 2007, I §1-2; Giáo luật điều 303).



LECTIO DIVINA

 

96. Lectio Divina là gì?

Lectio Divina là một từ ngữ Latinh. Lectio là “đọc một cách cẩn thận và lặp đi lặp lại”; Divina là “thuộc về Thiên Chúa”. Lectio Divina là “việc đọc, bài đọc hoặc cách đọc lời Thiên Chúa”. Lectio Divina là cách đơn giản để gặp gỡ Chúa, qua suy nghĩ và cầu nguyện dựa trên kinh Thánh.


97. Phương pháp Lectio Divina được thực hành thế nào?

Phương pháp Lectio Divina được thực hành qua 4 bước căn bản:

Bước 1: Đọc bản văn (lectio).

Bước 2: Suy niệm (meditatio).

Bước 3: Cầu nguyện (oratio).

Bước 4: Chiêm niệm (contemplatio).


98. Ý nghĩa của việc đọc bản văn kinh Thánh trong phương pháp Lectio Divina là gì?

Đây là bước dẫn ta đến câu hỏi liên quan đến việc hiểu biết trung thực nội dung bản văn: tự nó, bản văn kinh Thánh muốn nói gì.


99. Cách đọc kinh Thánh theo phương pháp Lectio Divina như thế nào?

Ta phải:

- Đọc theo chương trình (theo quy định riêng).

- Đọc chăm chú, thành tiếng trong bầu khí thinh lặng.

- Đọc chuyên cần.

- Đọc với lòng tin.

- Đọc liên tục.

- Đọc trong hội thánh.

  

DẪN GIẢI BỐN BƯỚC

1.     Đọc – 2. Suy niệm – 3. Cầu nguyện – 4. Chiêm niệm

 

Bước một: Đọc (Quan sát bản văn)

 

Cần phải đọc như thế nào ?

- Đọc thành tiếng thật chậm và tập trung trong tâm trạng thanh thản nhẹ nhàng.

- Đọc lớn tiếng nếu có thể. Việc đọc lớn tiếng rất tốt vì nó giúp chúng ta khám phá ra bản văn phong phú hơn.

- Đọc đi đọc lại nhiều lần bài Kinh Thánh làm nổi bật lên những yếu tố quan trọng, những vấn đề cần giải thích.

- Gạch dưới hoặc khoanh tròn câu, chữ cần lưu ý. Làm như thế, sự chú ý của chúng ta sẽ được kích thích. Trí hiểu, trí tưởng tượng và sự nhạy cảm hoạt động làm cho một đoạn văn Kinh Thánh vốn đã quen thuộc bỗng trở thành mới mẻ.

- Hãy để cho bản văn mình đọc lôi cuốn lần lượt từ đầu tới cuối. Đừng dừng lại ở chữ nào hay câu nào để suy nghĩ hoặc tìm giải đáp những chỗ khó hiểu, nhưng mà cứ chậm rãi tuần tự đọc hết bản văn.

 

Bước hai: Suy niệm

 

Cần suy niệm (suy nghĩ) về những chuyện gì ?

- Vấn đề không phải là tìm “câu trả lời hay”. Hãy tự nêu lên những câu hỏi, những thắc mắc hợp với giai đoạn, hoàn cảnh, bầu khí, tâm tư của riêng cá nhân, để rồi nhờ Chúa soi sáng, đánh động trong chiêm niệm cho đến khi “à!” ra.

- Bản văn nói với tôi điều gì? Trong đoạn văn này, có lời nào của Thiên Chúa được coi là sứ điệp hằng sống liên quan đến tôi ngày hôm nay không? Tôi được thúc đẩy như thế nào bởi sứ điệp đó trong tư tưởng, lời nói và hành động.

- Điều nào là chính yếu cần giữ lại trong bản văn mình vừa đọc? Những từ nào, những kiểu nói nào, những hình ảnh nào … để cho tôi nghiền ngẫm?

- Các bản văn Kinh Thánh này do những “người tin” viết ra. Chúng ta cần khám phá và cảm nhận những khía cạnh trong đức tin của họ đã được diễn tả trong bản văn. Hành trình đức tin của những người viết nên bản văn này có liên hệ với hành trình đức tin của tôi hiện nay hay không?

- Nếu đó là bản văn Cựu ước, thì Đức Giêsu đã cầu nguyện khi đọc bản văn này như thế nào?

- Nếu đó là bản văn Tân ước, thì bản văn này đã được viết ra dưới ánh sáng Phục sinh để diễn tả lòng tin vào Chúa Giêsu như thế nào?

- Có những từ, những hình ảnh, những nhân vật của bản văn mà mình gặp thấy mình trong đó hay không? Bản văn này có liên hệ với những xác tín quan trọng của đức tin Kitô giáo hay không? Nếu có, thì ở điểm nào?

 

Bước ba: Cầu nguyện

 

Tôi nói với Chúa điều gì ngay trong lúc này?

- Cảm tạ, ngợi khen, tung hô, chúc tụng ... vì những điều kỳ diệu Chúa soi sáng, đánh động và đổi mới con người tôi.

- Tạ ơn vì tâm trí lòng dạ nhận biết tình yêu qua đoạn kinh Thánh này cách rộng rãi hơn, làm cho cuộc sống nhẹ nhàng thanh thoát hơn. Từ đó, đời sống Kitô hữu không còn là ách hay gánh nặng nề với tôi nữa!

- Tình nguyện làm cho những niềm vui hạnh phúc này được lan tỏa ra cuộc sống chung quanh.

 

Bước bốn: Chiêm niệm

 

Thế nào là chiêm niệm?

- Chiêm niệm là chìm sâu trong cõi lòng thinh lặng chờ đợi, lắng nghe để Chúa đánh động, soi sáng ...

- Đây là lúc tôi kết hiệp mật thiết với Chúa. Chúa không còn nói, tôi cũng chẳng còn nghe, tôi và Chúa gắn kết với nhau.

- Lúc này tôi an hưởng bình an hạnh phúc trong Chúa, tâm hồn sẽ vui sướng cảm nhận sự dịu ngọt của Thiên Chúa ấp ủ.

 

Kết

Thực ra, bốn bước trong việc thực hành Lectio Divina không tách biệt hẳn với nhau, nhưng chia ra như thế là điều hữu ích đối với người đang muốn làm quen với việc đọc kinh Thánh.

Giáo hoàng Biển Đức XVI dạy chúng ta khi đã quen với việc thực hành Lectio Divina, thì hãy:

- Giúp các anh chị em khác đánh giá cao phương pháp này trong cuộc sống thường nhật của họ.

- Biết cách diễn tả thành chứng từ những gì lời Chúa đã chỉ cho anh chị em.

- Ngoan ngoãn với Thần Khí.

- Trau dồi sự hiệp thông huynh đệ.

- Sẵn sàng phục vụ anh chị em mình với lòng quảng đại, nhất là những người đang sống trong hoàn cảnh quẫn bách.

 

 

Từ nơi Mẹ Maria, chúng ta học được:

- Mẹ là gương mẫu cho tất cả các tín hữu về việc ngoan ngoãn đón tiếp lời Thiên Chúa.

- Mẹ “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 19).

- Mẹ biết nhận ra mối liên kết sâu xa đang hợp nhất các biến cố, các hành động và các sự vật tưởng như rời rạc, trong kế hoạch vĩ đại của Thiên Chúa.

Comments

Popular posts from this blog

Phụ tỉnh thánh Vinh Sơn Liêm

Tài liệu học hỏi