Huấn luyện căn bản 3

Thời kỳ tuyên hứa


TỔNG QUÁT VỀ CÁC SÁCH TIN MỪNG

 

       1. Tin mừng là gì?

Tin mừng là tin vui mừng về sự giải thoát và ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho loài người qua Đức Giêsu Kitô. Nói cách khác, tin mừng là tin vui vì Thiên Chúa ban ơn cứu độ cho con người.

Tin mừng của Đức Giêsu, tức là tin mừng do chính Đức Giêsu rao giảng (x. Mc 1,15). Tin mừng về Đức Giêsu, nghĩa là các tông đồ rao giảng về Đức Giêsu và ơn cứu độ của Người (x. Cv 5,42).


2. Các sách tin mừng được hình thành thế nào?

Các sách tin mừng được hình thành:

- Trước tiên là những lời rao giảng của các tông đồ mà các ngài đã nhớ và truyền lại những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm.

- Sau đó, các thánh sử chọn lựa trong số các điều đã được truyền lại bằng miệng hay bằng tài liệu viết tay; tóm tắt và tùy hoàn cảnh mà giải thích thêm, nhưng vẫn giữ hình thức của bài giảng thuyết, để truyền đạt cho chúng ta những điều chân thật về Chúa Giêsu (x. Hiến chế Mạc khải số 19).


3. Có mấy sách tin mừng?

Có bốn sách tin mừng do bốn thánh ký ghi lại: Mátthêu, Máccô, Luca và Gioan. Trong đó, ba sách tin mừng của Mátthêu, Máccô và Luca được gọi là tin mừng nhất lãm.


4. Tại sao gọi là tin mừng nhất lãm?

Gọi là tin mừng nhất lãm vì 3 sách này có nội dung và bố cục (dàn bài) gần giống như nhau, đến nỗi người ta có thể viết 3 cột song song với nhau và nhìn một lúc cả 3 bản; nhờ đó dễ dàng đối chiếu các sự kiện với nhau.

  

SÁCH TIN MỪNG THEO THÁNH MÁTTHÊU

 

5. Thánh Mátthêu là ai?

Thánh Mátthêu là người Do Thái, còn có tên là Lêvi, làm nghề thu thuế ở Caphácnaum, được Đức Giêsu gọi làm tông đồ (x. Mt 9,9).


6. Thánh Mátthêu viết sách tin mừng vào thời gian nào và có mục đích gì?

Thánh Mátthêu viết sách tin mừng khoảng từ năm 80-90 cho các Kitô hữu gốc Do Thái đang sống tại Palestine để củng cố lòng tin của họ vào Đức Giêsu. Thánh nhân lấy Cựu ước minh chứng Đức Giêsu Nagiarét là Đấng Mêsia mà Thiên Chúa đã hứa ban cho nhân loại.


7. Sách tin mừng theo thánh Mátthêu có những đặc điểm nào?

Sách tin mừng theo thánh Mátthêu có những đặc điểm:

- “Mặt người” là biểu tượng của sách tin mừng theo thánh Mátthêu.

- Thánh Mátthêu chú trọng đến tư tưởng thần học hơn là khía cạnh lịch sử, nhằm trình bày Đức Giêsu là Đấng Mêsia như Thiên Chúa đã phán hứa.

- Đức Giêsu đã loan báo và thiết lập nước trời.

- Tác giả viện dẫn Cựu ước và các tập tục của người Do Thái để chứng minh Đức Giêsu là Đấng Mêsia, là Con Thiên Chúa. Trong tin mừng, chúng ta thường gặp các công thức: “để ứng nghiệm lời Thiên Chúa đã dùng vị ngôn sứ mà phán …”, hoặc “như thế là để ứng nghiệm lời ngôn sứ …”


8. Sách tin mừng theo thánh Mátthêu trình bày những đạo lý nào?

Tin mừng theo thánh Mátthêu trình bày những đạo lý sau đây:

- Chúa Giêsu là Đấng Mêsia được Cựu ước loan báo.

- Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa được Chúa Cha giới thiệu.

- Chúa Giêsu là Đấng thành lập hội thánh.

  

SÁCH TIN MỪNG THEO THÁNH MÁCCÔ

 

9. Thánh Máccô là ai?

Thánh Máccô sinh tại Giêrusalem, là môn đệ thân tín của thánh Phêrô (1 Pr 5,13). Sau đó, ngài cùng với hai thánh Banaba và Phaolô đi truyền giáo (x. Cv 12,25).


10. Thánh Máccô viết sách tin mừng vào thời gian nào và có mục đích gì?

Thánh Máccô viết sách tin mừng tại Rôma sau cuộc tử đạo của thánh Phêrô, khoảng từ năm 65-70. Thánh nhân viết tin mừng cho Kitô hữu không phải gốc Do Thái, hiện đang sống ngoài xứ Palestine, nhằm chứng minh cho họ biết Đức Giêsu là Con Thiên Chúa.


11. Sách tin mừng theo thánh Máccô có những đặc điểm nào?

Sách tin mừng theo thánh Máccô có những đặc điểm:

- “Đầu sư tử” là biểu tượng của sách tin mừng theo thánh Máccô.

- Được viết trước nhất và ngắn nhất trong 4 sách tin mừng.

- Lời văn mộc mạc, nhưng sống động và chân thật.

- Trình bày sự kiện có tính khơi gợi thắc mắc, khiến người đọc phải suy nghĩ để tìm ra chân lý.


12. Sách tin mừng theo thánh Máccô trình bày những đạo lý nào?

Sách tin mừng theo thánh Máccô trình bày những đạo lý sau đây:

- Tin mừng phải được loan báo cho mọi loài thụ tạo.

- Đức Giêsu Nagiarét chính là Con Thiên Chúa hằng sống.

- Những ai muốn theo Chúa Giêsu thì phải đi theo con đường thập giá mới đến phục sinh.  




SÁCH TIN MỪNG THEO THÁNH LUCA

 

13. Thánh Luca là ai?

Thánh Luca là người Kitô hữu gốc Hy Lạp, quê ở Antiôkia, làm y sĩ và là môn đệ của thánh Phaolô từ năm 49.


14. Thánh Luca viết sách tin mừng vào thời gian nào và có mục đích gì?

Thánh Luca viết sách tin mừng này vào khoảng từ năm 70-80, sau khi thành Giêrusalem bị tàn phá. Thánh nhân viết gửi đích danh cho ông Thêôphilê (Cv 1,1), nhưng thực ra người nhắm vào những người Hy Lạp tòng giáo, để trình bày Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và cũng là con người lịch sử.


15. Sách tin mừng theo thánh Luca có những đặc điểm nào?

Sách tin mừng theo thánh Luca có những đặc điểm:

- “Đầu bò” là biểu tượng của sách tin mừng theo thánh Luca.

- Lời văn trong sáng, lưu loát và dễ đọc.

- Toàn tác phẩm toát ra niềm vui và sự thanh thản.

- Những chương đầu nói về thời thơ ấu của Đức Giêsu.


16. Sách tin mừng theo thánh Luca trình bày những đạo lý nào?

Sách tin mừng theo thánh Luca trình bày những đạo lý sau đây:

- Đức Giêsu là con người thật, đã sống trong trần gian. Người là Con Thiên Chúa và là Đấng cứu độ trần gian.

- Lòng nhân hậu của Thiên Chúa được bày tỏ qua Đức Giêsu.

- Vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần trong đời sống và hoạt động của Đức Giêsu.

 

 

SÁCH TIN MỪNG THEO THÁNH GIOAN

 

17. Thánh Gioan là ai?

Thánh Gioan là thánh ký viết sách tin mừng thứ tư. Là em thánh Giacôbê, con ông Giêbêđê, là một trong số các môn đệ đầu tiên được Đức Giêsu chọn gọi. Tự xưng là “người môn đệ được Đức Giêsu thương mến” (Ga 13,23).


18. Thánh Gioan viết sách tin mừng vào thời gian nào và có mục đích gì?

Thánh Gioan viết sách tin mừng vào những năm cuối của thế kỷ I, để độc giả tin rằng Đức Giêsu chính là Đức Kitô, là Con Thiên Chúa, và nhờ tin vào Người mà con người được sống đời đời (Ga 20,31).


19. Sách tin mừng theo thánh Gioan có những đặc điểm nào?

Sách tin mừng theo thánh Gioan có những đặc điểm:

- “Chim phượng hoàng” là biểu tượng của sách tin mừng theo thánh Gioan.

- Chú trọng đến đời sống kết hiệp giữa Ba Ngôi Thiên Chúa và đời sống nội tâm của các tín hữu.

- Trình bày các đề tài theo thể đối kháng: ánh sáng và bóng tối, sự sống và sự chết, tin và không tin, ...

- Có lời tựa xác định nguồn gốc thần linh của Đức Giêsu và nhiệm vụ của Gioan Tẩy Giả là giới thiệu Đức Giêsu cho dân chúng.


20. Sách tin mừng theo thánh Gioan trình bày những đạo lý nào?

Sách tin mừng theo thánh Gioan trình bày những đạo lý sau đây:

- Mầu nhiệm về Đức Giêsu: Đối với Thiên Chúa, Đức Giêsu là Con Thiên Chúa; đối với nhân loại, Đức Giêsu là Đấng Kitô và sứ mạng của Người là cứu độ nhân loại.

- Người tín hữu trong sứ mạng cứu độ của Đức Giêsu.

 


 

GIÁO VỀ LUÂN LÝ KITÔ GIÁO

 

21. Luân lý là gì?

Luân lý là hệ thống những quy tắc làm chuẩn mực, giúp con người – cá nhân hay xã hội – sống đạo làm người. Theo giáo lý hội thánh Công giáo, thì luân lý là những nguyên tắc hướng dẫn hành vi nhân linh đạt tới sự thiện và công bằng (x. GLHTCG số 1749-1761).


22. Luật luân lý là gì?

Luật luân lý là công trình của đức khôn ngoan của Thiên Chúa. Luật này chỉ cho con người những con đường và quy luật sống, dẫn đến hạnh phúc Thiên Chúa đã hứa, và ngăn cấm những nẻo đường đưa con người xa lìa Thiên Chúa (x. Toát yếu GLHTCG số 415).


23. Luân lý Kitô giáo dựa trên những chuẩn mực nào?

Luân lý Kitô giáo quy hướng vào mười điều răn của Thiên Chúa, và được tóm lại thành hai điều trọng yếu:

- Phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết sức mình.

- Thương yêu tha nhân như chính mình.

(x. Mt 22,37-40; Mc 12,29-31; Lc 10,27).


24. Nền tảng phẩm giá con người là gì?

Phẩm giá của con người bắt nguồn từ việc con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa. Ðược phú bẩm một linh hồn thiêng liêng và bất tử, lý trí và ý chí tự do, con người được quy hướng về Thiên Chúa, và được mời gọi hưởng hạnh phúc vĩnh cửu cả hồn lẫn xác (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 358).


25. Tự do là gì?

Tự do là khả năng Thiên Chúa ban cho con người để hành động hay không hành động, để làm việc này hay việc khác, và như vậy, tự mình đưa ra những quyết định một cách ý thức. Tự do là nét đặc trưng của hành vi nhân linh. Do đó, ta phải chịu trách nhiệm về các việc làm của mình (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 363). 


26. Tự do và trách nhiệm có tương quan thế nào?

Vì có tự do, con người phải chịu trách nhiệm về các hành vi của mình, nhưng trách nhiệm có thể bị giảm thiểu hoặc đôi khi bị loại bỏ, vì lý do thiếu hiểu biết, không chú ý, do áp lực, do sợ hãi, do xúc động thái quá hoặc do các thói quen (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 364).


27. Đam mê là gì?

Thuật ngữ các "đam mê" thuộc về gia sản Kitô giáo. Các tình cảm hoặc các đam mê là những cảm xúc, những chuyển biến hay những rung động của sự nhạy cảm, chúng thúc đẩy con người hành động hay không hành động, theo điều được cảm nhận hoặc tưởng tượng là tốt hoặc xấu (x. GLHTCG, số 1763).


28. Có những đam mê chính nào?

Những đam mê chính là yêu, ghét, ước muốn, sợ hãi, vui, buồn và phẫn nộ (x. GLHTCG, số 1772).


29. Xét về khía cạnh luân lý, đam mê tốt hay xấu?

Đam mê tự chúng không tốt và cũng chẳng xấu. Ðam mê tốt khi đưa đến những hành động tốt, và là xấu trong trường hợp nghịch lại. Các đam mê có thể được thăng hoa thành các nhân đức hay thoái hóa thành các nết xấu (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 371).


30. Lương tâm là gì?

Lương tâm là một phán đoán của lý trí; nhờ đó, con người nhận biết một hành vi cụ thể là tốt hay xấu.

"Lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người; nơi đây con người hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Người vang dội trong thâm tâm họ" (GLHTCG số 1795 và 1796).


31. Làm sao để đào tạo một lương tâm ngay thẳng và chân thật?

Lương tâm ngay thẳng và chân thật được đào tạo qua giáo dục, qua việc thấm nhuần lời Chúa và giáo huấn của hội thánh. Lương tâm được các hồng ân Chúa Thánh Thần nâng đỡ và các lời khuyên bảo của những người khôn ngoan trợ giúp. Ngoài ra, cầu nguyện và xét mình cũng đóng góp vào việc đào tạo lương tâm ngay thẳng cho chính mình (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 374).


32. Những quy tắc nào mà lương tâm phải theo?

Có ba quy tắc căn bản:

- Không được làm điều xấu để đạt tới điều tốt;

- Luật vàng: "Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta" (Mt 7,12);

- Tôn trọng tha nhân và lương tâm của họ (x. GLHTCG, số 1772). 


33. Nhân đức là gì?

Nhân đức là một khuynh hướng thường xuyên và kiên trì để làm điều thiện (x. sách GLHTCG, số 1803, 1833).


34. Đức tính nhân bản là gì?

Đức tính nhân bản là khuynh hướng thường xuyên và kiên trì của lý trí và ý chí nhằm điều chỉnh hành vi của chúng ta, điều tiết các đam mê và hướng dẫn nếp sống chúng ta cho phù hợp với lý trí và đức tin (x. GLHTCG số 1834).


35. Có mấy đức tính nhân bản?

Có nhiều đức tính như: cần, kiệm, liêm, chính; nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, dũng. Còn trong Kitô giáo có 4 đức tính căn bản: khôn ngoan, công bằng, dũng cảm, tiết độ. Tất cả các nhân đức khác đều quy tụ quanh 4 đức tính căn bản này, và tạo thành nền tảng cho đời sống đạo đức Kitô giáo (x. GLHTCG số 1834).


36. Khôn ngoan là gì?

Khôn ngoan là nhân đức giúp lý trí sẵn sàng trong mọi hoàn cảnh phân định được điều thiện đích thực và lựa chọn những phương tiện thích hợp để đạt tới điều thiện đó (x. GLHTCG số 1806).


37. Công bằng là gì?

Công bằng là nhân đức luân lý hệ tại một ý chí liên lỉ và vững chắc, quyết tâm trả lại những gì mình mắc nợ với Thiên Chúa và những người lân cận. Công bằng đối với Thiên Chúa được gọi là "nhân đức thờ phượng" (x. GLHTCG số 1807).


38. Can đảm là gì?

Can đảm là nhân đức luân lý giúp chúng ta kiên trì và quyết tâm theo đuổi điều thiện giữa những khó khăn trong đời; can đảm có thể đưa đến khả năng dám hy sinh chính mạng sống, để bảo vệ một điều lẽ phải (x. GLHTCG số 1808).


39. Tiết độ là gì?

Tiết độ là nhân đức luân lý giúp ta điều tiết sức lôi cuốn của những thú vui, làm chủ các bản năng và giúp ta biết sử dụng chừng mực của cải trần thế (x. GLHTCG số 1838).


40. Các nhân đức đối thần là gì?

Các nhân đức đối thần là những nhân đức có chính Thiên Chúa là nguồn gốc, động lực và đối tượng trực tiếp. Các nhân đức này giúp con người có khả năng sống tương quan với Thiên Chúa Ba Ngôi …, là bảo chứng cho sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong các năng lực của con người (x. GLHTCG số 1812-1813).


41. Có mấy nhân đức đối thần?

ba nhân đức đối thần gồm: đức tin, đức cậy và đức mến. Ba nhân đức này định hình và mang lại sự sống cho tất cả các nhân đức luân lý (x. GLHTCG, số 1813).


42. Đức tin là gì?

Ðức tin là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta tin vào Thiên Chúa và tất cả những gì Người đã mạc khải cho chúng ta, và những gì hội thánh dạy chúng ta tin, bởi vì Thiên Chúa là chính Chân lý. Nhờ đức tin, con người tự nguyện phó thác toàn thân cho Thiên Chúa (x. GLHTCG, số 1814).


43. Đức cậy là gì?

Ðức cậy là nhân đức đối thần, giúp chúng ta khao khát và mong chờ Thiên Chúa ban cho chúng ta đời sống vĩnh cửu là hạnh phúc của chúng ta, khi tin tưởng vào các lời hứa của Ðức Kitô và cậy dựa vào sự trợ giúp của ơn Chúa Thánh Thần, để xứng đáng hưởng đời sống vĩnh cửu và kiên trì cho đến hết cuộc đời trần thế (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 387).


44. Đức mến là gì?

Ðức mến là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự vì chính Người, và vì yêu mến Thiên Chúa, chúng ta yêu mến người lân cận như chính mình. Chúa Giêsu lấy đức mến làm điều răn mới, là sự viên mãn của lề luật (x. GLHTCG, số 1822-1823).


45. Các ơn Chúa Thánh Thần là gì?

Các ơn Chúa Thánh Thần là những khuynh hướng thường xuyên giúp cho con người dễ dàng tuân theo những soi sáng của Thiên Chúa. Có bảy ơn Chúa Thánh Thần: khôn ngoan, thông minh, biết lo liệu, can đảm, hiểu biết, đạo đức và kính sợ Thiên Chúa (x.  GLHTCG, số 1831).


46. Hoa trái của Chúa Thánh Thần là gì?

Các hoa trái của Thần Khí là những điều trọn hảo mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta như hoa quả đầu mùa của vinh quang vĩnh cửu. Truyền thống hội thánh đưa ra mười hai hoa trái: "Bác ái, hoan lạc, bình an, kiên nhẫn, quảng đại, nhân hậu, từ tâm, khoan dung, trung tín, khiêm nhu, tiết độ và khiết tịnh" (Gl 5, 22-23) (x. GLHTCG, số 1832).


47. Ðể đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta phải làm gì?

Ðể có thể đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta phải nhìn nhận và thống hối các tội lỗi của mình. Chính Thiên Chúa, qua Lời và Thánh Thần của Người, giúp chúng ta thấy rõ tội lỗi của mình, ban cho chúng ta lương tâm ngay thẳng và niềm hy vọng vào ơn tha thứ (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 391).


48. Tội là gì?

Tội là lời nói, hành vi hoặc ước muốn trái nghịch với Luật Chúa. Tội xúc phạm đến Thiên Chúa, không vâng phục tình yêu của Người. Tội gây thương tổn cho bản thân và cho tình liên đới với tha nhân (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 392).


49. Những yếu tố nào cấu thành tội trọng?

Để cấu thành tội trọng, thì phải hội đủ 3 yếu tố sau:

- Chất liệu nặng (tự bản chất, hay hành vi mà nó gây ra là nặng).

- Ý thức đầy đủ.

- Tự ý ưng thuận.

(x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 395).


50. Khi nào người ta phạm tội nhẹ?

Người ta phạm tội nhẹ khi chất liệu là nhẹ, hoặc thậm chí chất liệu là nặng, nhưng không có đầy đủ ý thức hay không hoàn toàn ưng thuận (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 396).


51. Thói xấu là gì?

Thói xấu là những thói quen lệch lạc làm mờ tối lương tâm và hướng chiều về điều xấu. Các thói xấu có thể quy vào bảy mối tội đầu: kiêu ngạo, hà tiện, ganh tị, nóng giận, dâm dục, mê ăn uống và lười biếng (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 398). 


52. Luật tự nhiên là gì?

Luật tự nhiên là luật được Thiên Chúa ghi khắc trong tâm hồn mọi người, ở mọi nơi và mọi thời để giúp lý trí phân biệt điều thiện, điều ác (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 416). 


53. Luật Cựu ước là luật nào?

Luật Cựu ước là luật Thiên Chúa đã ban cho dân Israel qua Môsê, qua các tiên tri và các sách giáo huấn, gồm tóm trong mười điều răn. Luật Cựu ước quy hướng tới giao ước mới và nước trời (x. GLHTCG, số 1962-1964). 


54. Luật Tân ước là luật nào?

Luật Tân ước là luật đã được Đức Kitô công bố cách đặc biệt trong bài giảng trên núi. Luật Tân ước là luật yêu thương, luật ân sủng và tự do (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 420). 


55. Điều răn thứ nhất dạy ta sự gì?

Điều răn thứ nhất dạy ta thờ phượng một mình Thiên Chúa và kính mến Người trên hết mọi sự.


56. Những tội nào nghịch với điều răn thứ nhất?

Những tội nghịch với điều răn thứ nhất là:

- Tội đa thần và thờ ngẫu tượng (thần thánh hóa một thụ tạo, quyền lực, tiền bạc hay cả ma quỷ …);

- Tội mê tín là một lệch lạc trái với việc tôn thờ Thiên Chúa đích thực. Mê tín được biểu lộ trong việc thờ ngẫu tượng, cũng như trong các hình thức khác: bói toán, ma thuật, phù thủy và chiêu hồn;

- Tội vô đạo biểu hiện hành động thử thách Thiên Chúa bằng lời nói hay việc làm, sự phạm thánh và sự mại thánh.

- Tội vô thần là loại trừ sự hiện hữu của Thiên Chúa, thường phát xuất từ một quan niệm sai lạc về quyền tự quyết của con người;

- Chủ thuyết bất khả tri là cho rằng con người không thể nào biết về Thiên Chúa, và bao gồm chủ trương lãnh đạm tôn giáo và vô thần thực hành (x. GLHTCG, số 2110-2127).


57. Ta phải tôn kính ảnh tượng như thế nào?

Vì Con Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm hữu hình, nên ta có thể dùng ảnh tượng để hướng lòng về Thiên Chúa, cũng như để tôn kính và noi gương các thánh. Ðây không phải là việc thờ lạy ảnh tượng, nhưng là việc tôn kính đấng được trình bày qua ảnh tượng (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 446). 


58. Điều răn thứ hai dạy ta sự gì?

Điều răn thứ hai dạy ta bổn phận tôn kính Danh Thánh Thiên Chúa, vì Danh Người là thánh.


59. Chúng ta phải tôn kính Danh Thánh Thiên Chúa thế nào?

Chúng ta tôn kính Danh Thánh Thiên Chúa bằng việc kêu cầu, chúc tụng, ca ngợi và tôn vinh Người. Vì vậy, cấm không được kêu đến Danh Người để làm chứng cho một tội ác, và không được sử dụng cách bất xứng Danh Thánh Người, như lộng ngôn, điều này tự bản chất là một tội trọng, cũng như lấy Danh Chúa mà thề gian và bất trung với những lời hứa nhân danh Thiên Chúa (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 447).


60. Tại sao cấm thề gian?

Vì thề gian là nại đến Thiên Chúa, Ðấng là chính chân lý, để làm chứng cho một lời nói dối, nên không được thề gian (x. GLHTCG, số 2150).


61. Bội thề là gì?

Bội thề là khi đưa ra một lời hứa kèm theo một lời thề, nhưng cố ý không tuân giữ hay sau đó phá bỏ. Ðó là một tội trọng phạm đến Thiên Chúa vì Người là Ðấng luôn trung tín với những lời Người đã hứa (x. GLHTCG, số 2152).


62. Điều răn thứ ba dạy ta sự gì?

Điều răn thứ ba dạy ta thánh hóa ngày Chúa nhật (x. GLHTCG, số 2173).


63. Ta phải thánh hóa ngày Chúa nhật thế nào?

Ta phải thánh hóa ngày Chúa nhật bằng việc tham dự thánh lễ, nghỉ ngơi về tinh thần và thể xác. Có thể làm những việc liên quan đến nhu cầu gia đình hay phục vụ cho những lợi ích quan trọng của xã hội, với điều kiện những hoạt động này không tạo thành thói quen có hại cho việc thánh hóa ngày Chúa nhật, cho cuộc sống gia đình hay cho sức khỏe (x. GLHTCG, số 2177-2185).


64. Điều răn thứ tư dạy ta sự gì?

Ðiều răn thứ tư dạy chúng ta phải tôn kính, chăm sóc cha mẹ và những ai được Thiên Chúa trao ban quyền hành để mưu ích cho chúng ta (x. GLHTCG, số 2197).


65. Bản chất của gia đình trong kế hoạch của Thiên Chúa như thế nào?

Người nam và người nữ kết hợp với nhau qua hôn nhân, cùng với con cái tạo thành một gia đình. Hôn nhân và gia đình được sắp xếp hướng về thiện ích của vợ chồng, về việc sinh sản và giáo dục con cái. Trong Ðức Kitô, gia đình trở thành hội thánh tại gia, vì đó là một cộng đoàn đức tin, đức cậy và đức mến (x. GLHTCG, số 2201-2206).


66. Con cái có bổn phận nào đối với cha mẹ?

Khi cha mẹ còn sống:

- Con cái phải hiếu thảo, biết ơn và vâng phục cha mẹ.

- Trợ giúp các ngài về vật chất và tinh thần.

Khi cha mẹ qua đời:

- Phải lo tang lễ cách chu đáo.

- Xin lễ, cầu nguyện cho các ngài.

(x. GLHTCG, số 2214-2220).


67. Cha mẹ có trách nhiệm nào đối với con cái?

Cha mẹ có nhiệm vụ yêu thương và tôn trọng con cái; cung cấp cho con cái những nhu cầu vật chất và tinh thần; giúp chúng chọn lựa nghề nghiệp hay bậc sống. Ðặc biệt, cha mẹ có sứ vụ giáo dục đức tin Kitô giáo cho con cái bằng gương sáng, kinh nguyện, dạy giáo lý trong gia đình và tham dự vào đời sống hội thánh (x. GLHTCG, số 2222-2231).


68. Điều răn thứ năm dạy ta sự gì?

Điều răn thứ năm dạy ta tôn trọng sự sống con người (x. GLHTCG, số 2258).


69. Tại sao ta phải tôn trọng sự sống con người?

Ta phải tôn trọng sự sống con người là điều linh thánh và sự sống đó mãi mãi nằm trong một liên hệ đặc biệt với Ðấng Sáng Tạo. Không ai được phép trực tiếp hủy hoại người vô tội, vì điều này đối nghịch cách nghiêm trọng với phẩm giá con người và với sự thánh thiện của Ðấng Sáng Tạo (x. GLHTCG, số 2258, 2261).


70. Những tội nào nghịch với điều răn thứ năm?

Những tội nghịch với điều răn thứ năm là:

- Tội giết người cố ý và trực tiếp, hoặc đồng lõa;

- Tội phá thai, cũng như việc cộng tác vào tội này;

- Tội an tử trực tiếp, có mục đích chấm dứt sự sống của những người tật nguyền, đau yếu hay hấp hối;

- Tội tự sát và chủ ý cộng tác vào việc tự sát, tội này xúc phạm nghiêm trọng đến tình yêu đối với Thiên Chúa, bản thân và tha nhân.

(x. GLHTCG, số 2268-2283).


71. Những việc nào đối nghịch với việc tôn trọng sự toàn vẹn thể lý của con người?

Những việc đó là: bắt cóc, bắt người làm con tin, khủng bố, tra tấn, bạo lực, trực tiếp làm người ta vô sinh. Việc cắt bỏ một phần thân thể của một người chỉ được chấp nhận, nếu mục đích là để chữa bệnh (x. GLHTCG, số 2297-2298).


72. Điều răn thứ sáu dạy ta sự gì?

Điều răn thứ sáu dạy ta sống khiết tịnh.


73. Đức khiết tịnh là gì?

Khiết tịnh là ơn Chúa ban giúp ta làm chủ bản năng tính dục để sống phù hợp với thánh ý Thiên Chúa trong bậc sống của mình (x. GLHTCG, số 2237).


74. Những phương thế nào giúp ta sống khiết tịnh?

Những phương thế giúp ta sống khiết tịnh:

- Một là nhớ mình yếu đuối để sáng suốt đề phòng.

- Hai là luôn sống tiết độ, hy sinh và ăn ở nết na.

- Ba là năng cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích.

- Bốn là tránh dịp tội cho mình và cho người khác.

(x. GLHTCG, số 2340).


75. Những tội nào nghịch với đức khiết tịnh?

Những tội nghịch với đức khiết tịnh là: ngoại tình, thủ dâm, tà dâm, khiêu dâm, mại dâm, hiếp dâm, đồng tính luyến ái (x. GLHTCG, số 2351-2359).


76. Hành vi tính dục trong đời sống vợ chồng có ý nghĩa gì?

Hành vi tính dục trong đời sống vợ chồng có hai ý nghĩa:

- Sự kết hợp (là hành vi hiến thân cho nhau),

- Việc truyền sinh (là hành vi mở ngỏ cho việc sinh sản con cái),

(x. GLHTCG, số 2362-2367).


77. Điều răn thứ bảy dạy ta sự gì?

Điều răn thứ bảy dạy ta phải giữ đức công bằng và bác ái về những của cải trần thế và thành quả lao động của con người (x. GLHTCG, số 2451).


78. Điều răn thứ bảy quy định những gì?

Điều răn thứ bảy quy định:

- Phải tôn trọng tài sản của người khác.

- Tôn trọng các lời hứa và các hợp đồng đã cam kết.

- Đền bù những điều bất công đã gây ra và hoàn trả những gì đã trộm cắp.

- Sử dụng khôn ngoan và chừng mực những tài nguyên, khoáng chất, thực vật và động vật trong vũ trụ.

(x. GLHTCG, số 2407-2450).


79. Điều răn thứ bảy cấm những điều gì?

Điều răn thứ bảy cấm:

- Trộm cắp, chiếm đoạt tài sản người khác,

- Trả lương không công bằng,

- Trốn thuế hoặc buôn bán gian lận,

- Cố ý phá hoại tài sản của người khác,

- Cho vay nặng lãi,

- Đầu cơ, tham nhũng, lạm dụng tài sản chung, lãng phí.

(x.  GLHTCG, số 2408-2413).


80. Điều răn thứ tám dạy ta sự gì?

Điều răn thứ tám dạy ta sống thành thật, làm chứng cho sự thật và tôn trọng danh dự mọi người.


81. Điều răn thứ tám cấm những gì?

Điều răn thứ tám cấm:

- Làm chứng dối, thề gian và dối trá,

- Phán đoán hồ đồ, nói xấu, vu khống,

- Phá hoại uy tín và danh dự người khác,

- Nịnh hót và tâng bốc xu nịnh, nhằm mục đích phạm tội trọng hay thủ lợi bất chính.

(x. GLHTCG, số 2475-2487).

 


82. Điều răn thứ chín dạy ta sự gì?

Điều răn thứ chín dạy ta phải sống trong sạch từ trong tư tưởng và chống lại những ham muốn xác thịt nghịch với đức trong sạch (x. GLHTCG, số 2514-2516). 


83. Điều răn thứ chín cấm những gì?

Ðiều răn thứ chín cấm nuôi dưỡng những ý tưởng và ước muốn về những hành vi bị giới răn thứ sáu cấm đoán (x. GLHTCG, số 2517-2519). 


84. Những tội nào phạm đến phẩm giá của hôn nhân?

Những tội phạm đến phẩm giá của hôn nhân là: ngoại tình, ly dị, đa thê, loạn luân, tự do sống chung (chung sống không hôn nhân, nhân tình), hành vi tính dục trước hôn nhân hay ngoài hôn nhân (x. GLHTCG, số 2380-2391). 


85. Làm sao để đạt tới sự thanh sạch tâm hồn?

Với ơn Chúa, người tín hữu đạt được sự thanh sạch tâm hồn nhờ nhân đức và hồng ân khiết tịnh, nhờ cầu nguyện và sự trong sáng nơi ý hướng, nơi cái nhìn bên ngoài và bên trong, nhờ chế ngự các giác quan và trí tưởng tượng (x. GLHTCG, số 2520-2527). 


86. Điều răn thứ mười dạy ta sự gì?

Điều răn này bổ túc cho điều răn thứ bảy, buộc ta phải có thái độ tôn trọng tài sản của kẻ khác (x. GLHTCG, số 2534).


87. Điều răn thứ mười cấm những gì?

Điều răn này cấm: tham lam và ham muốn bất chính tài sản của người khác; cấm ganh tị, nghĩa là cảm thấy buồn phiền khi thấy người khác có tài sản, và ước ao vô độ muốn chiếm đoạt tài sản đó (x. GLHTCG, số 2540).


88. Khao khát lớn nhất của con người là gì?

Khao khát lớn nhất của con người là được nhìn thấy Thiên Chúa. Thật vậy, con người chỉ có thể tìm được hạnh phúc đích thực và trọn vẹn trong sự hưởng kiến và hạnh phúc nơi Ðấng đã dựng nên họ vì tình yêu và cũng là Ðấng lôi kéo họ về với Người trong tình yêu vô tận (x. GLHTCG, số 2548-2550).

 

KINH PHỤNG VỤ

 

89. Các giờ kinh phụng vụ là gì?

Các giờ kinh phụng vụ là lời ca ngợi, khẩn cầu và thật là lời cầu nguyện của hội thánh cùng với Chúa Kitô và dâng lên Chúa Kitô (Văn kiện trình bày và quy định các GKPV, số 2).


90. Mục đích của các giờ kinh phụng vụ là gì?

Mục đích của các giờ kinh phụng vụ là nhằm thánh hóa ngày giờ và toàn bộ sinh hoạt của con người (Văn kiện trình bày và quy định các GKPV, số 11).


91. Ý nghĩa việc cử hành các giờ kinh phụng vụ là gì?

Việc cử hành các giờ kinh phụng vụ mang những ý nghĩa sau:

- Cùng toàn thể hội thánh dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng, để xin Người thánh hóa mọi thời khắc của cuộc sống.

- Sống hiệp thông với nhau trong tình huynh đệ.

- Chia sẻ những tâm tình, hoàn cảnh sống qua các thánh vịnh.

- Lắng nghe và được Chúa chỉ dạy bằng chính những lời quyền năng của Người.

- Dâng lên Chúa lời cầu nguyện tông đồ cho chính mình và mọi người.


92. Có những giờ kinh phụng vụ nào trong ngày?

Có các giờ kinh sau: kinh sách, kinh sáng, kinh trưa (giờ ba, giờ sáu, giờ chín), kinh chiều và kinh tối. Trong đó có 2 giờ kinh quan trọng là kinh sáng và kinh chiều. 


93. Ý nghĩa của giờ kinh sáng là gì?

Kinh sáng nhằm thánh hóa thời khắc ban mai khi bắt đầu một ngày mới, để dâng lên Chúa những tác động đầu tiên của lòng trí chúng ta. Kinh sáng được đọc vào lúc bình minh ló rạng để ca ngợi Đức Kitô Phục sinh là mặt trời công chính, là ánh sáng thật chiếu soi mọi người.


94. Ý nghĩa của giờ kinh chiều là gì?

Kinh chiều được cử hành vào lúc ban chiều khi ngày vừa xế bóng, để tạ ơn những gì Thiên Chúa ban hoặc những việc lành ta đã làm trong ngày. Kinh chiều cũng nhắc nhớ đến công trình cứu chuộc của Chúa, và niềm hy vọng về ánh sáng không hề tàn lụi.


95. Giờ kinh sáng gồm những phần nào?

Giờ kinh sáng gồm:

- Giáo đầu với điệp ca và thánh vịnh mở đầu.

- Thánh thi.

- Ca vịnh.

- Lời Chúa.

- Xướng đáp.

- Thánh ca tin mừng.

- Lời cầu.

- Kinh lạy Cha.

- Lời nguyện với câu kết dài.


96. Giờ kinh chiều gồm những phần nào?

Giờ kinh chiều gồm:

- Giáo đầu (không có thánh vịnh mở đầu).

- Thánh thi.

- Ca vịnh.

- Lời Chúa.

- Xướng đáp.

- Thánh ca tin mừng.

- Lời cầu.

- Kinh lạy Cha.

- Lời nguyện với câu kết dài.


97. Tại sao người giáo dân Đaminh cần phải chuyên chăm đọc kinh phụng vụ hằng ngày?

Người giáo dân Đaminh cần phải chuyên chăm đọc kinh phụng vụ hằng ngày, vì:

- Các đoàn thể giáo dân hội họp nhau bất cứ ở đâu cũng được mời gọi thi hành nghĩa vụ của hội thánh mà đọc một phần các giờ kinh phụng vụ (Văn kiện trình bày và quy định các GKPV, số 27).

- Luật Sống kêu mời mọi thành viên huynh đoàn cầu nguyện bằng các giờ kinh phụng vụ (LS 6 tr. 25).


98. Quy chế dạy chúng ta đọc các giờ kinh phụng vụ như thế nào?

Luật Sống số 6 trang 25 dạy: hằng ngày, anh chị em nên nguyện kinh phụng vụ, nhất là kinh sáng và kinh chiều; nên đọc chung với nhau tại nhà thờ hay nơi thích hợp. Khi không thể nguyện kinh phụng vụ được, anh chị em có thể thay thế bằng việc đọc và suy niệm mầu nhiệm kinh Mân Côi.


99. Chúng ta phải cử hành các giờ kinh phụng vụ với cung cách nào?

Người giáo dân Đaminh cử hành các giờ kinh phụng vụ cách long trọng, trang nghiêm và kính cẩn theo nghi thức truyền thống của dòng anh em Giảng Thuyết.

Comments

Popular posts from this blog

Phụ tỉnh thánh Vinh Sơn Liêm

Tài liệu học hỏi