Huấn luyện căn bản 2
Thời kỳ tuyển sinh
NHẬP MÔN KINH THÁNH
1. Kinh Thánh là gì?
Kinh Thánh là bộ sách chứa
đựng lời Thiên Chúa nói với loài người và những việc Thiên Chúa làm cho loài
người, được các thánh ký ghi lại dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần và được huấn
quyền của hội thánh công nhận.
2. Ai là tác giả kinh
Thánh?
Chính Thiên Chúa là tác
giả kinh Thánh. Người soi sáng cho các thánh ký viết ra những điều Người muốn
nói với loài người,
bằng ngôn ngữ loài người,
theo khả năng của mỗi thánh ký.
3. Kinh Thánh có mấy phần
và bao nhiêu cuốn?
Kinh Thánh gồm hai phần:
Cựu ước có 46 cuốn và Tân ước có 27 cuốn; trong đó bốn sách Tin mừng là quan
trọng nhất.
4. Nội dung chính của kinh
Thánh là gì?
Kinh Thánh có nội dung
chính yếu là chương trình cứu độ của Thiên Chúa được Đức Giêsu thực hiện. Đức Giêsu là trung gian và là tột đỉnh của toàn bộ kinh Thánh.
5. Đâu là trọng tâm của
toàn bộ kinh Thánh?
Trọng tâm của bộ kinh
Thánh là Đức Giêsu, vì toàn bộ kinh Thánh quy hướng về Đức Giêsu và được hoàn
tất nơi Người.
6. Cựu ước được viết
vào thời kỳ nào và gồm mấy thể loại văn chương?
Cựu ước được viết trong khoảng từ năm 1.000 đến năm 100 trước công nguyên
và gồm bốn thể loại:
- Lề luật gồm 5 cuốn đầu tiên, còn gọi là Ngũ Thư.
- Lịch sử gồm 16 cuốn.
- Giáo huấn gồm 7 cuốn.
- Tiên tri gồm 18 cuốn.
7. Cựu ước dạy ta những
chân lý nào?
Cựu ước dạy ta:
- Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất.
Người sáng tạo vũ trụ và điều khiển vận mạng con người. Loài người chỉ được thờ
phượng một mình Thiên Chúa mà thôi.
- Thiên Chúa yêu thương con người và luôn trung thành với lời hứa cứu độ,
ngay cả khi họ phản bội Người.
8. Tầm quan trọng của Cựu ước
đối với người Kitô hữu như thế nào?
Người Kitô hữu tôn kính Cựu ước như là lời đích thực của Thiên Chúa. Tất cả
các tác phẩm của Cựu ước được Thiên Chúa linh hứng nên có một giá trị trường
tồn.
Cựu ước là bằng chứng cho thấy nghệ thuật giáo dục bằng tình yêu cứu độ của
Thiên Chúa. Và nhất là, các tác phẩm Cựu ước được viết ra để chuẩn bị cho việc
Đức Kitô, Đấng cứu độ muôn loài, ngự đến (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 21).
9. Tân ước được viết vào
thời gian nào và gồm mấy thể loại?
Tân ước được viết từ sau khi Đức Giêsu về trời đến khoảng năm 100 và được xếp theo ba thể loại:
- Lịch sử gồm 5 cuốn (4 sách Tin mừng và sách Công vụ tông đồ).
- Giáo huấn gồm 21 cuốn (13 thư thánh Phaolô, thư gởi tín hữu Hípri và 7
thư chung).
- Tiên tri là sách Khải Huyền.
10. Tân ước dạy ta những chân lý nào?
Tân ước dạy ta những chân lý căn bản
này:
- Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và là con người thật,
là Đấng cứu độ duy nhất của nhân loại.
- Đức Giêsu thiết lập hội thánh, để hội thánh tiếp
tục công cuộc cứu độ của Người.
11. Tầm quan trọng của Tân
ước đối với người Kitô hữu như thế nào?
Tâm điểm của Tân ước là Ðức Giêsu. Tân ước dạy chúng ta chân lý trọn vẹn và dứt khoát được Thiên Chúa mạc khải. Trong Tân ước, bốn quyển Tin mừng: Mátthêu, Máccô, Luca và Gioan là những chứng từ chính yếu về đời sống và về lời giảng dạy của Đức Giêsu (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 22).
12. Ðâu là sự thống nhất
giữa Cựu ước và Tân ước?
Kinh Thánh chỉ là một, vì
chỉ có một lời Chúa duy nhất, một chương trình cứu độ duy nhất của Thiên Chúa, và một linh hứng duy nhất của Thiên Chúa cho cả Cựu ước
lẫn Tân ước. Cựu ước chuẩn bị cho Tân ước và Tân ước hoàn thành Cựu ước (x. Bản
toát yếu sách GLHTCG, số 23).
13. Tại sao kinh Thánh lại
có thể dạy chân lý?
Bởi vì chính Thiên Chúa là
tác giả của kinh Thánh. Kinh Thánh là quyển sách được linh hứng và dạy dỗ không
sai lạc, những chân lý cần thiết cho ơn cứu
độ. Thật vậy, Chúa Thánh Thần linh hứng cho các tác giả phàm nhân, để họ viết ra những điều Thiên Chúa muốn dạy dỗ chúng ta
(x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 18).
14. Chúng ta phải đọc kinh
Thánh như thế nào?
Kinh Thánh phải được đọc và giải thích dưới sự trợ giúp của Chúa Thánh
Thần, và phải theo sự hướng dẫn của huấn quyền hội thánh, dựa trên ba tiêu
chuẩn:
1. Phải
chú ý đến nội dung và sự duy nhất của toàn bộ kinh Thánh;
2. Phải
đọc kinh Thánh trong thánh truyền sống động của hội thánh;
3. Phải
chú ý đến sự liên hệ hài hòa giữa các chân lý đức tin (x. Bản toát yếu sách
GLHTCG, số 19).
15. Hội thánh tôn
kính kinh Thánh như thế nào?
Hội Thánh luôn tôn kính kinh
Thánh như tôn kính chính thân thể Chúa. Cả hai nuôi dưỡng và chi phối toàn thể
đời sống Kitô giáo (x. sách GLHTCG, số 141).
16. Kinh Thánh có vai trò
nào trong đời sống hội thánh?
Kinh Thánh đem lại sự hỗ trợ và sức mạnh cho đời sống hội thánh. Kinh Thánh
củng cố đức tin, là lương thực và nguồn mạch của đời sống tinh thần cho người
Kitô hữu. "Lời Chúa là ngọn đèn soi
cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi" (Tv 119, 105). Hội thánh
khuyến khích chúng ta đọc kinh Thánh, vì "không biết kinh Thánh là không biết Đức Kitô" (thánh Giêrônimô)
(x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 24).
GIÁO LÝ VỀ BÍ TÍCH
17. Bí tích là gì?
Bí tích là những dấu chỉ
hữu hiệu của ân sủng, do Đức Giêsu thiết
lập và được trao lại cho hội thánh, để ban sự sống thần linh cho chúng ta.
18. Có mấy bí tích?
Có 7 bí tích: thanh tẩy, thêm sức, Thánh Thể, hòa giải, xức dầu bệnh nhân, truyền
chức thánh, hôn phối.
19. Các bí tích được phân
chia thành mấy loại?
Các bí tích được phân chia thành 3 loại theo hiệu quả ân sủng trao ban:
- Bí tích khai tâm: thanh tẩy, thêm
sức, Thánh Thể.
- Bí tích chữa lành: hòa giải, xức dầu bệnh nhân.
- Bí tích phục vụ cộng đoàn: truyền chức thánh, hôn phối.
20. Ấn tín bí tích là gì?
Ấn
tín bí tích là một dấu ấn thiêng liêng được thông ban trong bí tích thanh tẩy, thêm sức và truyền chức thánh. Nhờ ấn tín, người tín
hữu trở nên đồng hình đồng dạng với Ðức Kitô. Vì ấn tín không thể xóa nhòa, nên
ba bí tích này chỉ được lãnh nhận một lần.
21. Đâu là mối liên hệ giữa
các bí tích với đức tin?
Có đức tin, mới lãnh nhận bí
tích. Khi lãnh nhận bí tích, ta được củng cố đức tin (x. Bản toát yếu sách
GLHTCG, số 228).
22. Tại sao các bí tích cần
thiết cho ơn cứu độ?
Đối với người tín hữu, các
bí tích cần thiết để được ơn cứu độ, vì chính Đức Kitô hành động nơi các bí
tích, và Chúa Thánh Thần làm cho những người lãnh nhận nên giống Con Thiên Chúa
(x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 230).
23. Bí tích thanh tẩy là gì?
Bí tích thanh tẩy là bí tích Đức Giêsu đã lập để tái sinh ta trong đời sống mới bởi nước và Chúa Thánh Thần.
24. Nghi thức chính yếu của bí tích thanh tẩy là gì?
Nghi thức chính yếu của bí
tích này gồm việc dìm ứng viên xuống nước hay đổ nước trên đầu họ trong khi kêu
cầu: nhân danh Cha và Con và Thánh Thần (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 256).
25. Người không lãnh nhận bí
tích thanh tẩy có thể được cứu rỗi
không?
Vì Đức Kitô đã chết để cứu độ tất cả mọi người, nên những người sau đây có
thể được cứu độ, dù không lãnh nhận bí tích thanh tẩy:
- Những ai chết vì đức tin (thanh tẩy bằng máu);
- Những người dự tòng và những người không biết Ðức Kitô, nhưng thành tâm
tìm kiếm Thiên Chúa (bằng lòng ước ao).
- Về phần các trẻ em chết mà chưa nhận bí tích thanh
tẩy, hội thánh phó thác các em cho lòng nhân từ của Thiên
Chúa (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 262).
26. Bí tích thanh tẩy mang lại những hiệu quả nào?
Bí tích thanh tẩy tha thứ tội tổ tông, mọi tội cá nhân và hình phạt do tội.
Bí tích này cho con người tham dự vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, giúp họ
tháp nhập vào Đức Kitô và hội thánh (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 263).
27. Bí tích thêm sức là
gì?
Bí tích thêm sức là bí tích Đức Giêsu đã lập để ban Chúa Thánh Thần, giúp người tín hữu sống bí tích thanh tẩy hoàn hảo hơn, liên kết mật thiết với hội thánh và làm
chứng cho Đức Kitô.
28. Nghi thức chính yếu
của bí tích thêm sức là gì?
Nghi thức chính yếu của bí
tích thêm sức là việc đặt tay của thừa tác viên, xức dầu thánh trên trán người
lãnh nhận, kèm theo lời: "Hãy lãnh nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần"
(x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 267).
29. Bí tích thêm sức có
những hiệu quả nào?
Hiệu quả của bí tích thêm sức
là việc đổ tràn Chúa Thánh Thần và ghi một ấn tín không thể tẩy xóa trong linh
hồn người lãnh nhận. Bí tích này củng cố trong tâm hồn chúng ta hồng ân của
Chúa Thánh Thần, gia tăng ân sủng của bí tích thanh
tẩy và ban cho chúng ta một sức mạnh đặc biệt để làm chứng
cho đức tin Kitô giáo (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 268).
30. Bí tích Thánh Thể là
gì?
Bí
tích Thánh Thể là bí tích Đức Giêsu đã lập, để tiếp tục lễ hy sinh trên Thánh Giá
và để ban Mình Máu Người dưới hình bánh rượu làm của nuôi linh hồn ta.
31. Ý nghĩa của bí tích
Thánh Thể là gì?
Bí tích Thánh Thể là nguồn
mạch và chóp đỉnh của toàn bộ đời sống Kitô giáo. Bí tích Thánh Thể chứa đựng tất
cả ân sủng thiêng liêng của hội thánh là chính Ðức Kitô (x. Bản toát yếu sách
GLHTCG, số 274).
32. Đức Kitô hiện diện
trong bí tích Thánh Thể như thế nào?
Trong bí tích Thánh Thể,
Ðức Kitô vừa là Thiên Chúa vừa là con người, hiện diện theo cách bí tích, nghĩa
là dưới hình bánh và hình rượu (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 282).
33. Việc rước lễ đem lại
những hiệu quả gì?
Việc rước lễ làm tăng
triển sự hiệp thông của chúng ta với Ðức Kitô và hội thánh, giúp tăng triển
tình yêu đối với tha nhân. Việc rước lễ làm chúng ta nên mạnh mẽ trong đức ái, xóa
bỏ các tội nhẹ và gìn giữ chúng ta khỏi các tội trọng (x. Bản toát yếu sách
GLHTCG, số 292).
34. Bí tích hòa giải là
gì?
Bí tích hòa giải là bí tích Đức Giêsu đã
lập, để tha các tội ta phạm từ khi lãnh bí
tích thanh tẩy về sau, cùng giao hòa ta
với Chúa và hội thánh.
35. Tại sao cần bí tích hòa giải sau khi đã lãnh nhận bí tích thanh tẩy?
Bí tích thanh tẩy không tiêu hủy sự yếu đuối của bản tính con người, cũng
như sự hướng chiều theo tội lỗi, nên Ðức Kitô đã thiết lập bí tích hòa giải, để những người đã lãnh nhận bí tích thanh tẩy có thể ăn năn trở lại, một khi họ xa lìa Chúa vì tội lỗi (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 297).
36. Đức Kitô thiết lập bí
tích hòa giải khi nào?
Đức Kitô đã thiết lập bí
tích hòa giải,
khi Người hiện ra với các tông đồ vào chiều ngày Phục sinh và nói với họ: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần; anh em
tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm
giữ" (Ga 20, 22-23); (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 298).
37. Khi lãnh nhận bí tích hòa giải, hối nhân phải có những hành vi nào?
Khi lãnh nhận bí tích hòa giải,
hối nhân phải:
- Xét mình cẩn thận;
- Ăn năn tội cách trọn vì lòng
yêu mến Chúa và quyết tâm không tái phạm nữa;
- Xưng tội là xưng thú tội lỗi với linh mục;
- Đền tội là làm một số việc thống hối mà linh mục giải tội ấn định, để đền bù những hậu quả do tội gây ra (x. Bản toát yếu
sách GLHTCG, số 303).
38. Phải xưng những tội
nào?
Chúng ta phải xưng tất cả
các tội trọng. Việc xưng thú các tội trọng là phương tiện thông thường để được
ơn tha tội. Mọi tín hữu khi đến tuổi khôn buộc phải xưng các tội trọng, ít nhất một năm một lần và trong mọi trường hợp, phải
xưng các tội trọng trước khi rước lễ (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 304).
39. Bí tích hòa giải mang lại cho ta những hiệu quả nào?
Khi lãnh nhận bí tích hòa giải,
ta được trở lại trong ân sủng của Thiên Chúa, vì:
- Được giao hòa với Thiên Chúa và hội thánh.
- Được tha thứ hình phạt đời đời đáng phải chịu vì các tội trọng đã phạm.
- Được tha thứ ít nhất một phần các hình phạt tạm là hậu quả của tội.
- Được bình an thư thái
trong lương tâm.
- Được gia tăng sức
mạnh thiêng liêng.
(x. sách GLHTCG, số
1496).
40. Bí tích xức dầu bệnh nhân là gì?
Bí tích xức dầu bệnh nhân là bí tích Đức Giêsu đã lập, để
ban ơn nâng đỡ bệnh nhân và người già yếu, về phần hồn và phần xác.
41. Hiệu quả của bí tích xức dầu bệnh nhân là gì?
Bí tích xức dầu bệnh nhân giúp họ được ơn an ủi, bình an và
can đảm cho tâm hồn; giúp họ kết hợp chặt chẽ hơn với cuộc khổ nạn của Ðức
Kitô; được ơn tha thứ tội lỗi nếu bệnh nhân không thể xưng tội được và chuẩn bị
cho cuộc vượt qua cuối cùng (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 319).
42. Của ăn đàng là gì?
Của ăn đàng là bí tích
Thánh Thể được trao ban cho những người sắp rời bỏ cuộc sống trần gian. Việc
rước Mình và Máu Ðức Kitô là mầm sống cho đời sống vĩnh cửu và sức mạnh phục
sinh (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 320).
43. Bí tích truyền chức thánh
là gì?
Bí tích truyền chức thánh
là bí tích Đức Giêsu đã
lập, qua đó, sứ vụ Đức Kitô đã ủy thác cho các tông đồ của Người được tiếp tục
thực thi trong hội thánh cho đến tận thế: vì vậy, đây là bí tích của thừa tác
vụ tông đồ (x. sách GLHTCG, số 1536).
44. Các cấp bậc khác nhau
của bí tích truyền chức thánh là những cấp bậc nào?
Bí tích truyền chức thánh
gồm ba cấp bậc, không thể thay thế trong cơ cấu tổ chức của hội thánh, đó là
chức giám mục, chức linh
mục và chức phó tế (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 325).
45. Bí tích hôn phối là
gì?
Bí tích hôn phối là bí
tích Đức Giêsu đã lập, để kết hợp hai người tín hữu, một nam một nữ, thành vợ chồng trước mặt
Chúa và hội thánh, cùng ban cho họ sống xứng đáng ơn gọi của mình.
46. Thiên Chúa thiết lập
hôn nhân nhằm mục đích gì?
Tự bản chất, sự kết hợp
hôn nhân giữa người nam và người nữ được hướng tới sự hiệp thông và thiện ích
của các đôi vợ chồng, cũng như việc sinh sản và giáo dục con cái. Theo ý định
của Thiên Chúa, sự kết hợp hôn nhân là bất khả phân ly. "Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly"
(Mt 19, 6) (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 338).
47. Bí tích hôn phối có
những hiệu quả nào?
Bí tích hôn phối tạo nên
mối dây liên kết vĩnh viễn và độc nhất giữa hai người phối ngẫu. Chính Thiên
Chúa đã xác nhận sự ưng thuận của những người kết hôn. Bí tích cũng trao ban
cho đôi vợ chồng ân sủng cần thiết,
để họ đạt tới sự thánh thiện trong đời sống, cũng như trong việc sinh sản và
giáo dục con cái có trách nhiệm (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 346).
48. Á bí tích là gì?
Á bí tích là những dấu chỉ thánh thiêng do hội
thánh thiết lập, để chuẩn bị cho con
người đón nhận hiệu quả của các bí tích và để thánh hóa một số hoàn cảnh trong
cuộc sống. Á bí tích gồm một lời cầu nguyện, kèm theo dấu Thánh giá và những
dấu chỉ khác (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 351).
49. Ðâu là những hình
thức đạo đức bình dân kèm theo đời sống bí tích của Hội Thánh?
Cảm thức tôn giáo của
dân Kitô giáo trong mọi thời đại đều có những cách diễn tả lòng đạo đức của
mình qua nhiều hình thức khác nhau, như việc tôn kính các di tích thánh, kính
viếng các đền thánh, những cuộc hành hương, những cuộc rước kiệu, viếng chặng đàng
Thánh giá, đọc kinh Mân côi, … (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 353).
50. Có tương quan nào
giữa các bí tích và cái chết của người Kitô hữu?
Người Kitô hữu khi kết
thúc cuộc đời trần thế của mình, đạt đến sự viên mãn của đời sống mới, được bắt đầu nơi bí tích thanh
tẩy, được củng cố bằng bí tích thêm sức và được nuôi
dưỡng bằng bí tích Thánh Thể, là tham dự trước vào bàn tiệc thiên quốc. Ý nghĩa
cái chết trong Kitô giáo được biểu lộ dưới ánh sáng sự chết và sự phục sinh của
Ðức Kitô, niềm hy vọng duy nhất của chúng ta. Người Kitô hữu chết trong Ðức
Kitô, là ra đi để "cư ngụ nơi Thiên
Chúa" (2 Cr 5, 8); (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 354).
51. Lễ nghi an táng
diễn tả ý nghĩa gì?
Dù được cử hành theo nhiều nghi thức khác nhau tùy theo hoàn cảnh và truyền thống địa phương, lễ nghi an táng của Kitô giáo luôn làm nổi bật đặc tính Vượt qua của cái chết theo Kitô giáo trong niềm hy vọng sống lại, cũng như ý nghĩa của sự hiệp thông với người đã qua đời, đặc biệt là trong lời cầu nguyện cho linh hồn họ được thanh luyện (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 355).
LUẬT SỐNG HUYNH ĐOÀN GIÁO DÂN ĐAMINH
52. Luật sống huynh đoàn giáo dân Đaminh là gì?
Luật sống huynh đoàn giáo
dân Đaminh là những lề luật và giải thích lề luật, do các cấp thẩm quyền dòng anh
em Giảng Thuyết ban hành cho huynh đoàn giáo dân Đaminh, nhằm giúp các thành
viên huynh đoàn sống ơn gọi Kitô hữu, theo lý tưởng tông đồ của thánh Đaminh.
53. Luật sống cho người giáo
dân Đaminh gồm những gì?
Luật sống cho người giáo
dân Đaminh gồm:
- Quy luật huynh đoàn giáo dân Đaminh.
- Tuyên bố chung của bề trên tổng quyền hay tổng hội.
- Quy chế riêng (cho từng tỉnh dòng).
54. Quy luật huynh đoàn giáo
dân Đaminh là gì?
Quy luật huynh đoàn giáo
dân Đaminh là luật chung cho tất cả các huynh đoàn giáo dân Đaminh trên thế
giới, do tòa thánh châu phê và bề trên tổng quyền ban hành.
55. Tuyên bố chung là gì?
Tuyên bố chung là những
giải thích chính thức hay miễn chuẩn những điều khoản của quy luật. Tuyên bố
chung do bề trên tổng quyền của dòng ban hành.
56. Sách Luật Sống huynh
đoàn giáo dân Đaminh Việt Nam hải ngoại gồm có mấy phần?
Sách Luật Sống huynh đoàn giáo dân Đaminh gồm:
– Phần thứ nhất: Quy luật huynh đoàn giáo dân Đaminh và các tuyên bố chung
của bề trên tổng quyền.
– Phần thứ hai: Quy chế huynh đoàn giáo dân Đaminh Việt Nam hải ngoại.
57. Quy chế huynh đoàn giáo
dân Đaminh Việt Nam hải ngoại là
gì?
Quy chế huynh đoàn giáo
dân Đaminh Việt Nam là luật riêng cho các huynh đoàn giáo dân Đaminh trong lãnh
thổ phụ tỉnh Đaminh Việt Nam tại Bắc Mỹ, do bề trên phụ tỉnh châu phê và ban hành.
58. Tuyên bố của bề trên phụ tỉnh là gì?
Tuyên bố của bề trên
phụ tỉnh là những giải thích hoặc miễn chuẩn các điều khoản của quy chế huynh
đoàn giáo dân Đaminh Việt Nam hải ngoại.
59. Để trở thành phần tử
chính thức của dòng, ta phải làm gì?
Để trở thành phần tử chính
thức của dòng, ta phải tuyên hứa tuân giữ Luật Sống trước mặt vị chủ sự và đoàn
trưởng huynh đoàn thay mặt bề trên tổng quyền.
60. Đoàn viên huynh đoàn
Đaminh phải tuân giữ Luật Sống với tinh thần như thế nào?
Đoàn viên phải hết sức ân
cần chu toàn Luật Sống một cách khôn ngoan, “không như nô lệ dưới ách lề luật,
nhưng như con cái trong ân sủng” (Tu luật Augustin, số 8).
61. Người đoàn viên huynh
đoàn Đaminh phải trải qua những thời kỳ nào?
Người đoàn viên huynh đoàn Đaminh phải trải qua 3 thời kỳ sau:
- Thời kỳ tìm hiểu.
- Thời kỳ tuyển sinh.
- Thời kỳ tuyên hứa.
62. Thời kỳ tìm hiểu có
thời gian bao lâu và danh xưng của người đang ở trong thời kỳ này là gì?
Thời kỳ tìm hiểu bắt đầu
từ khi “Công bố thời kỳ tìm hiểu” và có thời gian tối thiểu là 6 tháng và không
quá 2 năm. Người đang ở trong thời kỳ này gọi là thỉnh sinh.
63. Để được nhận vào thời
kỳ tìm hiểu, cần phải có những điều kiện nào?
Để được nhận thời kỳ tìm hiểu, cần phải có những điều kiện sau (LS 35 tr. 34):
+ Là người Công giáo:
- Đã lãnh bí tích thêm sức,
- Từ 18 đến 75 tuổi, trường hợp ngoại lệ, phải có sự miễn chuẩn của vị linh hướng huynh đoàn.
- Không bị ngăn trở theo giáo luật,
- Nhiệt thành sống đạo (x. TB 2007, I §1);
+ Không phải là thành viên của dòng ba khác.
+ Không phải là thành viên bị khai trừ, hay tự ý rời bỏ một cách bất hợp
pháp khỏi các hiệp hội được hội thánh công nhận, trừ phi có sự đồng ý của vị đặc
trách huynh đoàn tỉnh hoặc vị thừa ủy của người.
+ Ban phục vụ phải thực hiện thủ tục “Công bố thời kỳ tìm hiểu”.
64. Thỉnh sinh có những
bổn phận nào?
Thỉnh sinh có bổn phận:
- Hoàn tất các môn học theo LS 36 tr. 35: Lịch sử cứu độ, giáo lý
về tín lý, ơn gọi và sứ mạng người Kitô hữu giáo dân và giáo dân Đaminh, phương
pháp đọc và suy niệm lời Chúa (Lectio Divina).
- Sinh hoạt theo nội quy của huynh đoàn.
65. Thời kỳ tuyển sinh có thời gian bao lâu và danh xưng của người đang ở trong
thời kỳ này là gì?
Thời kỳ tuyển sinh bắt đầu từ khi được thu nhận và có thời gian tối thiểu là
1 năm và không quá 2 năm. Người đang ở trong thời kỳ này gọi là tuyển sinh (LS 38 tr. 35).
66. Để được thâu nhận vào
thời kỳ tuyển sinh, thỉnh sinh cần phải có
những điều kiện nào?
Để được thâu nhận vào thời kỳ tuyển sinh, thỉnh sinh phải (LS 38 tr. 35):
- Hoàn tất các môn học quy định.
- Được ban phục vụ chấp thuận bằng phiếu kín với số phiếu quá bán.
+ Khoảng hai tháng trước khi bắt đầu thời kỳ tuyển
sinh, thỉnh sinh nộp đơn xin gia nhập lên ban phục vụ để được
cứu xét.
+ Thỉnh sinh được nhận vào thời kỳ tuyển
sinh bằng “Nghi thức thu nhận”.
67. Tuyển sinh có những
bổn phận nào?
Tuyển sinh có bổn phận:
- Hoàn tất các môn học theo LS 39 tr. 36: Nhập môn kinh Thánh, giáo lý về các bí tích, Luật sống huynh
đoàn, phụng vụ Thánh lễ.
- Sinh hoạt theo nội quy của huynh đoàn.
68. Khi được thâu nhận vào
thời kỳ tuyển sinh, tuyển sinh có những
quyền lợi nào?
Vào thời kỳ năm tập, tập sinh được học hỏi về
tinh thần và đoàn sủng Đaminh và bắt đầu tập sống nếp sống
của người giáo dân Đaminh.
69. Để được tuyên hứa lần
đầu, tuyển sinh cần phải có những điều kiện nào?
Để được tuyên hứa tạm lần đầu, tuyển sinh phải (LS 42 tr. 36):
- Có thời gian tuyển sinh
tối thiểu 1 năm.
- Hoàn tất các môn học quy định.
- Được ban phục vụ, sau khi đã tham khảo ý kiến vị linh hướng và linh mục
chính xứ, chấp thuận bằng phiếu kín với số phiếu quá bán.
- Khoảng hai tháng trước khi tuyên hứa, tuyển sinh nộp đơn
xin tuyên hứa lên ban phục vụ để được cứu xét.
- Phải tuyên hứa theo nghi thức của dòng.
- Nếu không được tuyên hứa vì bất cứ lý do gì, ban phục vụ
có thể cho tuyển sinh tiếp tục thời kỳ năm tập, nhưng không quá 2 năm (LS 38 &II tr. 35).
70. Lời tuyên hứa tạm lần
đầu có giá trị bao lâu?
Lời tuyên hứa tạm lần đầu
có giá trị 3 năm.
71. Đoàn viên có những bổn
phận nào?
Đoàn viên có bổn phận:
- Hoàn tất các môn học theo LS 43 tr. 36: Tìm hiểu các sách Tin mừng, giáo lý về luân lý, kinh phụng vụ, đời sống
các thánh dòng.
- Tuân giữ Luật Sống và nội quy của huynh đoàn.
72. Đoàn viên có những
quyền lợi nào?
Người đã tuyên hứa:
- Được gọi là đoàn viên và trở nên phần tử chính thức của dòng anh em Giảng
Thuyết.
- Được hiệp thông trọn vẹn vào kho tàng thiêng liêng của toàn dòng và của
cả gia đình Đaminh.
- Có quyền bầu cử trong huynh đoàn và quyền thụ cử trong huynh đoàn các
cấp.
73. Hết hạn tuyên hứa tạm
lần đầu, đoàn viên phải làm gì?
Hết hạn tuyên hứa tạm lần đầu,
đoàn viên:
- Có thể xin tuyên hứa vĩnh viễn.
- Hoặc xin tuyên hứa lại nhiều lần 1
năm hay 2 năm (tổng cộng tối đa 6 năm liên tiếp).
- Hết
hạn 9 năm mà không tuyên hứa vĩnh viễn hoặc không tuyên hứa lại vì bất
cứ lý do gì thì đương sự ra khỏi huynh đoàn và không còn thuộc về dòng nữa (LS 44 &III tr. 37).
74. Để được tuyên hứa vĩnh
viễn, đoàn viên cần phải có những điều kiện nào?
Để được tuyên hứa vĩnh viễn, đoàn viên phải (LS 45 tr. 37):
- Đã hết hạn tuyên hứa tạm (tuyên hứa lần đầu hay tuyên hứa lại).
- Hoàn tất các môn học quy định.
- Được ban phục vụ, sau khi đã tham khảo ý kiến vị linh hướng và linh mục
chính xứ, chấp thuận bằng phiếu kín với số phiếu quá bán.
- Khoảng hai tháng trước khi tuyên hứa vĩnh viễn, đoàn viên nộp đơn xin
tuyên hứa vĩnh viễn lên ban phục vụ để được cứu xét.
- Trường hợp đoàn viên không được chấp thuận cho tuyên hứa vĩnh viễn, ban phục
vụ có thể quyết định bằng phiếu kín cho người đó tuyên hứa lại 1 năm (tổng cộng tối đa 6 năm liên
tiếp).
75. Khi nào người đoàn
viên không còn thuộc về huynh đoàn nữa?
Người đoàn viên không còn thuộc về huynh đoàn khi:
- Hết hạn lời tuyên hứa tạm, mà không xin tuyên hứa tiếp hoặc xin mà ban phục
vụ không chấp thuận.
- Được bề trên giám tỉnh tháo cởi lời tuyên hứa.
- Bị khai trừ khỏi huynh đoàn.
76. Khi hết hạn tuyên hứa
tạm, người đoàn viên phải làm gì?
Khi hết hạn tuyên hứa tạm, người đoàn viên:
- Phải xin tuyên hứa đúng ngày hết hạn.
- Ban phục vụ và đoàn trưởng có thể miễn chuẩn tuyên hứa sớm hoặc trễ trong
thời gian 1 tháng; ngoài thời gian này phải được sự miễn chuẩn của bề trên giám
tỉnh hoặc vị thừa ủy của người.
- Trường hợp tuyên hứa trễ hạn, thì phải xin sự miễn chuẩn trước khi lời
tuyên hứa hết hiệu lực.
77. Người đoàn viên có
những bổn phận nào?
+ Hằng ngày (LS
19 tr 29):
- Anh chị em đọc 1 kinh Lạy Cha cầu nguyện cho anh chị em gia đình Đaminh
và các ân nhân.
- Anh chị em đọc 1 kinh Vực Sâu cầu cho anh chị em trong dòng đã qua đời.
+ Hằng tuần, hiệp dâng 1 Thánh lễ và đọc một chuỗi 50 kinh Mân Côi cầu cho
anh chị em trong dòng đã qua đời.
+ Hằng tháng, anh chị em phải tham dự buổi họp hằng tháng của huynh đoàn.
Khi có lý do chính đáng không thể tham dự buổi họp hằng tháng được, phải báo
cho đoàn trưởng biết (LS 81 tr 49).
+ Hằng năm:
- Anh chị em phải tĩnh tâm 3 ngày.
- Anh chị em tham dự những ngày lễ giỗ của dòng: ngày 7-2 cầu cho cha mẹ,
ngày 5-9 cầu cho thân nhân và ân nhân, ngày 8-11 cầu cho anh chị em trong dòng
đã qua đời.
+ Những việc khuyên làm (LS 10 tr. 10):
- Siêng năng tham dự Thánh lễ, lãnh nhận các bí tích nhất là bí tích hòa giải.
- Hằng ngày, anh chị em nên nguyện kinh
phụng vụ, nhất là kinh Sáng và kinh Chiều; nên đọc chung với nhau tại nhà thờ
hay nơi thích hợp. Khi không thể nguyện kinh phụng vụ được, anh chị em có thể thay thế bằng việc đọc và suy niệm mầu nhiệm kinh
Mân côi (LS 6 tr. 25).
- Siêng năng chầu Thánh Thể, đọc và chia sẻ lời Chúa, chia sẻ lời Chúa theo
nhóm.
- Anh chị em nên mang huy hiệu dòng, như một dấu chỉ anh chị em được thánh
hiến và thuộc về Đức Kitô (LS 9 tr. 26).
- Hằng ngày, anh chị em đọc kinh thánh Đaminh và thánh nữ Catarina để biểu
lộ lòng tôn kính và yêu mến các ngài (LS 12 tr. 27).
- Anh chị em luôn cầu nguyện cho nhau và quan tâm đến những người gặp khó
khăn về tinh thần cũng như vật chất.
- Sau khi đã tuyên hứa vĩnh viễn, anh chị em vẫn tiếp tục tham dự các khóa
huấn luyện thường xuyên (LS 48,49 tr. 38).
- Anh chị em hãy nhiệt tình cộng tác với các linh mục, tu sĩ và các thành
phần dân Chúa trong việc xây dựng và phát triển giáo xứ về tinh thần cũng như
vật chất, và còn phải được mở rộng đến giáo hạt, giáo phận và hội thánh toàn
cầu (LS 28 tr. 31).
- Anh chị em hãy tích cực xây dựng tinh thần đoàn kết, yêu thương và công
bằng trong chính môi trường của mình; mạnh dạn bênh vực sự sống và phẩm giá con
người; quảng đại giúp đỡ người nghèo về tinh thần cũng như vật chất (LS 30 tr. 32).
PHỤNG VỤ THÁNH LỄ
Phụng vụ là việc tôn thờ
công khai và chính thức của toàn thể hội thánh, để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi
và thánh hóa con người.
79. Phụng vụ trong đời sống hội thánh là gì?
Phụng vụ là chóp đỉnh mà
mọi hoạt động của hội thánh đều hướng tới, đồng thời là nguồn mạch phát sinh
mọi năng lực của đời sống hội thánh. Qua việc cử hành phụng vụ, Ðức Kitô tiếp
tục công trình cứu chuộc chúng ta (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 219).
80. Ai hoạt động trong phụng
vụ?
Chính Ðức Kitô cử hành cùng với thân thể Người là hội thánh
trên trời và hội thánh ở trần gian (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 233).
81 Ý nghĩa của năm phụng
vụ là gì?
Trong năm phụng vụ, hội thánh
cử hành Mầu nhiệm Ðức Kitô, từ lúc Người nhập thể cho đến ngày Người lại đến
trong vinh quang. Trong một số ngày, hội thánh tôn kính Ðức Maria, các thánh
hiện đang ở với Người trong vinh quang (x. Bản toát yếu sách GLHTCG, số 242).
82. Phụng vụ gồm những gì?
Phụng vụ gồm: Thánh lễ,
các bí tích và các giờ kinh phụng vụ.
83. Thánh lễ là gì?
Thánh lễ là việc tưởng
niệm cuộc Vượt Qua của Đức Kitô: nghĩa là công trình cứu độ được thực hiện qua
đời sống, cuộc tử nạn và sự phục sinh của Đức Kitô. Công trình này được hành
động phụng vụ làm cho hiện diện (sách GLHTCG số 1409).
84. Hội thánh cử hành thánh
lễ với những mục đích nào?
Hội thánh cử hành thánh lễ với những mục đích:
- Để cảm tạ và ngợi khen Chúa Cha vì các ân huệ Chúa ban cho loài người.
- Để tưởng niệm hy tế của Đức Kitô và thân thể Người là hội thánh.
- Để đền tội cho người sống cũng như kẻ chết, và để cầu xin những ơn lành
hồn xác từ Thiên Chúa.
- Để các tín hữu được hợp nhất với nhau trong Đức Kitô và được kết hợp với
phụng vụ trên trời.
85. Thánh lễ gồm mấy phần?
Thánh lễ gồm bốn phần:
- Nghi thức mở đầu.
- Phụng vụ lời Chúa.
- Phụng vụ Thánh Thể.
- Nghi thức kết lễ.
Trong đó phụng vụ lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể là hai phần chính.
86. Nghi thức mở đầu gồm
những việc nào?
Nghi thức mở đầu bắt đầu
từ cuộc rước hoặc bài ca nhập lễ, lời chào của chủ tế, kinh Thương Xót, kinh
Vinh Danh (lễ trọng và lễ kính) và lời nguyện nhập lễ hay còn gọi là lời tổng
nguyện.
87. Ý nghĩa của nghi thức
mở đầu là gì?
Nghi thức mở đầu giúp cho
các tín hữu đã tụ họp được hiệp thông với nhau và chuẩn bị tâm hồn đón nhận lời
Chúa, đồng thời để cử hành thánh lễ cho xứng đáng.
88. Phần phụng vụ lời Chúa
bao gồm những việc nào?
Phần phụng vụ lời Chúa gồm:
- Các bài đọc trích từ kinh thánh.
- Thánh ca, thánh vịnh xen giữa hai bài đọc.
- Bài giảng và kinh Tin Kính.
- Lời nguyện tín hữu.
89. Ý nghĩa của phần phụng
vụ lời Chúa là gì?
Phần phụng vụ lời Chúa nói
lên sự hiện diện của Chúa Giêsu trong phụng vụ như công đồng Vaticanô II khẳng
định: “Người hiện diện thiết thực trong lời của Người, vì chính Người nói khi
người ta đọc kinh thánh trong hội thánh” (x. Hiến chế phụng vụ thánh số 7).
90. Mục đích của phụng vụ lời
Chúa là gì?
Phụng vụ lời
Chúa có mục đích làm cho tín hữu hiểu biết chân lý về Thiên Chúa và dẫn đưa họ
đến nguồn sống là lời Chúa vì được nghe Người giáo huấn và lãnh lấy sự sống do chính Người ban
tặng.
91. Phần phụng vụ Thánh
Thể gồm những việc nào?
Phần phụng vụ Thánh Thể bắt đầu từ việc chuẩn bị lễ vật đến hết lời nguyện
hiệp lễ gồm các việc sau:
+ Chuẩn bị lễ vật đến hết lời nguyện tiến lễ.
+ Kinh Tạ Ơn bao gồm:
- Lời tạ ơn (còn gọi là lời tiền tụng).
- Lời tung hô chúc tụng (còn gọi là kinh Thánh, Thánh, Thánh).
- Lời nài xin Chúa Thánh Thần.
- Phần tường thuật Chúa lập bí tích Thánh Thể và truyền phép.
- Kinh tưởng niệm.
- Lời nguyện dâng tiến.
- Lời nguyện chuyển cầu.
- Vinh tụng ca.
+ Nghi thức hiệp lễ bắt đầu từ kinh Lạy Cha đến hết lời nguyện hiệp lễ.
92. Phần phụng vụ Thánh
Thể có ý nghĩa gì?
Phần phụng vụ Thánh Thể
cho chúng ta tham dự vào hy tế của Chúa Giêsu, mà chính Người đã dâng trên thánh giá để đem ơn cứu độ đến cho nhân loại.
93. Nghi thức kết lễ bao
gồm các việc nào?
Nghi thức kết lễ bao gồm:
lời chào của chủ tế, phép lành của chủ tế, lời giải tán.
94. Người Kitô hữu phải
tham dự thánh lễ khi nào?
Hội thánh đòi buộc các
Kitô hữu phải tham dự thánh lễ vào các ngày Chúa nhật, các lễ buộc. Hội thánh
cũng khuyên chúng ta tham dự thánh lễ vào các ngày khác nữa (x. Bản toát yếu
sách GLHTCG, số 289).
95. Tại sao buộc tham dự
thánh lễ ngày Chúa nhật?
- Vì đó là đòi buộc của lòng yêu mến Đức Kitô.
- Vì đó là bổn phận
phải chu toàn theo luật hội thánh.
96. Để hiệp lễ cần có
những điều kiện nào?
Đức Kitô mời gọi chúng ta hiệp lễ mỗi khi tham dự thánh lễ. Tuy nhiên muốn hiệp lễ
ta cần hội đủ những điều kiện sau:
- Sạch tội trọng.
- Thực sự ước ao rước
Chúa.
- Giữ chay một giờ
trước khi hiệp lễ.
97. Ta phải tham dự thánh
lễ như thế nào?
Ta phải tham dự cách tích
cực và sinh động, nghĩa là hợp lòng hợp ý với chủ tế và cộng đoàn để dâng lễ,
giữ các nghi lễ, thưa kinh hay ca hát chung với cộng đoàn và rước lễ cho sốt
sắng.
Comments
Post a Comment